Nhiều ngành học mới đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0

GD&TĐ - Các trường ĐH đã chính thức vào cuộc đua cho mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 với việc mở ngành học mới, hấp dẫn đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. 

Nhiều ngành học mới đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0

Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, đây là chiến lược lâu dài vì những ngành học mới được mở này sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực trong vòng 4 - 5 năm tới, các trường đã và đang chú trọng hơn vào chất lượng và đặc biệt là yêu cầu về năng lực ngoại ngữ.

Sự chuyển đổi phù hợp

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, danh mục các ngành đào tạo đại học sẽ có trên 100 ngành mới, trong đó những ngành mới tập trung ở các lĩnh vực: An ninh quốc phòng, khoa học GD&ĐT giáo viên, khoa học xã hội và hành vi.

Đặc biệt, lĩnh vực đào tạo giáo viên lần đầu tiên có rất nhiều ngành mới, như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như tiếng Khmer, Jrai, Xđăng... Bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác, các trường sư phạm còn có thêm ngành sư phạm khoa học tự nhiên.

Trong số các ngành học truyền thống, khối ngành ngôn ngữ có thêm ngành ngôn ngữ Chăm, ngôn ngữ Khmer, ngôn ngữ ARập. Các ngành khoa học xã hội & nhân văn khác cũng có mã ngành riêng như: An toàn thông tin, Tổ chức và quản lý y tế, Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, Quản lý đô thị và công trình…

Sự sắp lại ở nhiều nhóm ngành khác như máy tính, công nghệ thông tin cho phù hợp hơn với xu thế phát triển ngành nghề hiện nay cũng được ghi nhận.

Trong đó, nhóm ngành máy tính có các chuyên ngành khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật máy tính; hay như nhóm ngành công nghệ thông tin có ngành công nghệ thông tin và ngành an toàn thông tin, trong đó ngành an toàn thông tin là ngành học rất mới.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Việc năng động trong chuyển đổi mở mới các ngành đào tạo là chiến lược quan trọng của các trường. Khả năng nhìn nhận thực tế, đi trước đón đầu, đào tạo nhân lực mới đáp ứng yêu cầu xã hội sẽ không chỉ là trách mà còn là phát huy năng lực đào tạo của trường, khẳng định uy tín với người học và xã hội.

Thực tế việc Trường Đại học Trà Vinh mở ra ngành học Ngôn ngữ và Văn hóa Khmer đã cho thấy hướng đi đúng, những cử nhân văn hóa ngôn ngữ Khmer, sư phạm tiếng Khmer sẽ đáp ứng nhiệm vụ chính trị - xã hội tại Trà Vinh nói chung và khu vực Tây Nam Bộ - nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống nói riêng.

Đón đầu cuộc cách mạng 4.0

Theo như dự báo của nhiều chuyên gia tuyển sinh và các nhà trường, yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng 4.0 sẽ là nhân lực cho các ngành liên quan đến Công nghệ Robot, Hàng không Vũ trụ, Khoa học không gian, Quản trị trong nhiều lĩnh vực...

Phát triển các ngành học mới nhưng các trường vẫn chú trọng vào việc tạo sức hấp dẫn mới cho các ngành học truyền thống, nhiều cách thức tuyển sinh được đưa ra từ việc xét tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia cho đến lấy điểm học bạ, đều hướng đến chất lượng nguồn tuyển và đảm bảo những tiêu chí cần thiết về năng lực người học sao cho đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng ngành nghề.

ĐHQG Hà Nội vẫn tiếp tục tiên phong trong tuyển sinh với tổng trên 8.500 cho 104 chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tiên tiến, tài năng bậc đại học thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên & Công nghệ, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Giáo dục, Luật học, Y – Dược.

Năm 2018 này, cùng với các chương trình đào tạo mới, nhiều chương trình đào tạo truyền thống được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao đáp ứng Thông tư 23/2014 của Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, năm 2018 này Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới.

Năm 2018, Trường Đại học Thủy lợi cũng thông báo tuyển thêm 4 ngành mới là: Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học cho biết: Năm 2018, về quy mô tuyển sinh vẫn như năm 2017 với tổng chỉ tiêu là 3.700 sinh viên.

Nhưng năm nay có tăng thêm 4 ngành so với năm 2017. Đây là những ngành học được dự báo là ngành đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế khảo sát của nhà trường cho thấy, nhu cầu xã hội rất cần kỹ sư 4 ngành này. Những ngành mới mở dự kiến 1 lớp 70 sinh viên.

Bên cạnh việc mở các ngành học mới đáp ứng nhu cầu thực tế, trường đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu một số ngành truyền thống để chuyển chỉ tiêu đó cho những ngành mở mới. Các ngành học mới hay những ngành đào tạo truyền thống của trường đều hướng đến mục đích chất lượng cao nhất.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội – chia sẻ: Việc tuyển sinh các ngành Kỹ thuật Robot, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Khoa học Thông tin Địa không gian, Quản trị Trường học, Đông Nam Á học... là đáp ứng yêu cầu thực tế của việc cung ứng nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong các yêu cầu về chất lượng nguồn tuyển thì một trong những trọng tâm hàng đầu được đặt ra là các chương trình đào tạo đều có sử dụng tổ hợp xét tuyển bài thi ngoại ngữ nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết để thí sinh theo học tốt các chương trình đào tạo đáp ứng vị trí việc làm trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.