Chiều qua đón con từ một trường tiểu học ở quận Ba Đình, tôi thấy con có thêm một chiếc mũ bảo hiểm mới. Món quà từ chương trình vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Là một phụ huynh, tôi thấy món quà đó thực sự hữu ích.
Một phụ huynh khác có con học cùng lớp cho biết, các con anh được đội mũ bảo hiểm từ lúc gần 3 tuổi, khi các bé bắt đầu đi học mẫu giáo và bố mẹ phải chở đi hàng ngày bằng xe máy. Trước đó, nếu đi chơi, anh chị quy ước với nhau là cho con đi taxi. “Cũng nhiều người cho rằng gia đình tôi lắm chuyện, rách việc, nhưng thật ra rất đơn giản, điều gì tốt cho con thì làm” - anh nói. “Đi đâu, thêm một chiếc mũ bảo hiểm, có thể vướng bận một chút, nhưng nó giúp trẻ tránh được nhiều nguy cơ, đơn giản như một hòn gạch, một vật thể có thể rơi từ trên tầng cao xuống”.
Nhưng không phải tất cả phụ huynh đều nghĩ như anh. Đứng đón con trước cổng trường, thấy số trẻ đội mũ bảo hiểm không nhiều, cho dù đã có quy định trẻ trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm. Thật ra thì tại sao lại là 6 tuổi? Tại sao không quy định độ tuổi thấp hơn, có thể là trên 3 tuổi chẳng hạn? Học sinh THCS trở lên cũng đội mũ bảo hiểm rất ít, cho dù đó là độ tuổi các bạn bắt đầu có nhận thức trưởng thành hơn và đã được học nhiều về an toàn giao thông, và số bạn đi học bằng xe đạp ở cấp hai, bằng xe đạp điện và cả xe máy ở cấp ba đã tăng mạnh..
Mũ bảo hiểm là điều tối quan trọng khi tham gia giao thông. Nhưng nhiều bố mẹ lại chẳng quan tâm. Họ đội mũ bảo hiểm chiếu lệ, mũ không hợp chuẩn, không thắt quai, cho dù hàng ngày họ có thể lên mạng để chỉ trích, phê phán về giao thông. Họ đội mũ cho mình chứ không cho con, bởi họ chỉ đội để đối phó với công an, không nhằm để bảo vệ sinh mạng. Chính suy nghĩ đó của người lớn đã tạo nên thói quen coi thường chiếc mũ bảo hiểm, coi thường an toàn của chính mình, coi thường luật pháp. Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã có từ hơn 10 năm nay, nhưng đến giờ chúng ta vẫn cứ phải phát động những phong trào kiểu “toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ” như đang diễn ra.
Năm 2018 có gần 19.000 vụ tai nạn giao thông làm hơn 8.000 người chết, gần 15.000 người bị thương. Và trong số người tử vong đó, có 1.442 trường hợp là trẻ em dưới 18 tuổi. Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng cho biết, tỷ lệ trẻ tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm chỉ đạt khoảng 30%. Nếu con số này tăng lên, chắc chắn những trường hợp đau lòng do tai nạn giao thông sẽ giảm mạnh, 1.442 đứa trẻ kia sẽ không mất đi sinh mạng và hàng nghìn trẻ bị thương khác sẽ không mất đi tương lai phía trước. Giờ đây bên cạnh việc vận động, chúng ta phải nghiêm khắc thực hiện các chế tài đã có khi tham gia giao thông, thì mới đủ sức thay đổi nhận thức của người lớn.
Không hiểu sao có những phụ huynh lại để ý đến việc mua cho con điện thoại gì, đồng hồ gì, một chiếc cặp siêu nhẹ hay những món đồ chơi đắt tiền hơn là mua cho các con chiếc mũ bảo hiểm? Lẽ nào việc bảo vệ cuộc sống cho các con không quan trọng hơn việc cho con đi học thêm, học đàn, học kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng thoát hiểm khác?