Để rác không theo chân khách

GD&TĐ - Các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch vừa có cuộc hội thảo tại Hội An nhân 20 năm đô thị này được công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mối bận tâm của các doanh nghiệp ấy không chỉ là làm sao để thu hút du khách mà còn là tìm ra những giải pháp khả thi để rác thải nhựa không còn “theo chân” khách du lịch nữa. Không chỉ hô hào suông như nhiều cuộc hội thảo về một chủ đề nào đó, cuộc hội thảo “Du lịch không rác thải nhựa” tại Hội An đã đưa ra những cam kết cụ thể mà người lĩnh xướng trong câu chuyện này không ai khác là tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam có hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, trở thành một trong những trung tâm thu hút khách du lịch hàng đầu của cả nước với 6,5 triệu lượt du khách mỗi năm (số liệu năm 2018). Nguồn thu từ ngành công nghiệp không khói này rất lớn, song những gì mà nó “thải ra” cũng không hề nhỏ. Với 660 tấn rác thải mỗi ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 20% thì “đồ nhựa” xả ra cho Quảng Nam, chủ yếu là hai trung tâm du lịch Hội An và Mỹ Sơn, lên đến 120 tấn rác thải nhựa/ ngày!

Cách đây khoảng 20 năm, Cù Lao Chàm (Hội An) ngày ấy còn hoang sơ, com tôm con cá trú ngụ trong “ngôi nhà” của chúng là những rạn san hô sát rìa đảo, ngư dân chỉ cần vài ba tấm lưới với chiếc thuyền thúng mỏng manh là có thể sống qua ngày. Thế rồi phong trào homestay ở hòn đảo này nở rộ, khách du lịch ùn ùn kéo ra đảo, kèm theo đó là “trùng điệp” túi nilon xả thẳng xuống biển. “Ngôi nhà san hô” chết chìm cùng túi nilon, con cá con tôm cũng bỏ đi.

Trước nguy cơ ấy, Cù Lao Chàm buộc phải nói “không” với túi nilon. Để nói và thực hiện được điều khó khăn ấy, chính quyền Hội An đã cung cấp cho người dân giỏ đi chợ, khuyến khích các bà nội trợ dùng lá bàng, lá chuối để gói thức ăn. Họ lập trạm kiểm soát ngay từ bến cảng Hội An, tuyệt đối cấm du khách mang túi nilon theo ra đảo Cù Lao Chàm… Chỉ trong vài năm nói “không” ấy, những rạn san hô đã hồi sinh tại Cù Lao Chàm, con cá con tôm cũng bắt đầu quay trở lại. Người dân trên đảo khai thác chính loài thủy sản ấy để phục vụ du khách.

Bài học rút ra là: Chính quyền không nên hô hào suông mà cần phải có những giải pháp cụ thể cho các chủ trương của mình. Người dân phải nhìn thấy được sự lợi - hại của “phong trào” mà chính quyền đang cổ súy. Khi nhìn ra cái lợi cho mình, người dân ắt sẽ theo. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có bài học cụ thể từ Cù Lao Chàm nên họ dám cam kết với việc “Du lịch không rác thải nhựa”.

Câu hỏi đặt ra là, các tỉnh khác có “cam kết” được như Quảng Nam không? Các hãng lữ hành có thật sự nhìn ra mối nguy hại từ rác thải nhựa theo chân du khách không? Hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như mỗi hãng lữ hành và từng khách du lịch thông tỏ câu chuyện “nói không với rác thải nhựa”. Không có một sự tự giác nào nếu như trước đó không tạo ra thói quen, cụ thể ở đây là thói quen “không sử dụng túi nilon” trong sinh hoạt mỗi khi đi du lịch. Mà thói quen ấy cũng phải được bắt nguồn từ “kỷ luật”, tức là phải quản lý chặt “đầu vào”. Một số đảo đang thu hút đông du khách như Lý Sơn, Côn Đảo lại càng dễ quản lý việc “nói không với rác thải nhựa”.

Không cần phải “đời sau” mà ngay bây giờ, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ tệ hại từ rác thải nhựa. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không nói “không” với nó mỗi khi đi du lịch?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.