Giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội góp phần phát triển các mối quan hệ tích cực của trẻ đối với thế giới xung quanh, đồng thời cũng giúp góp phần phát triển các năng lực cá nhân và cộng đồng đối với trẻ. Tuy nhiên, việc giáo dục những điều này chưa được chú trọng nhiều tại Việt Nam.
Mới đây tại một cuộc hội thảo tại Hà Nội do Bộ GD&ĐT tổ chức cho các cán bộ và giáo viên mầm non ở các trường một số địa phương, bà Monisha Dewan, chuyên gia giáo dục Unicef khu vực Đông Á Thái Bình Dương, đã đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc này.
Bà Monisha Dewan cho rằng: Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội là một trong những nhiệm vụ thiết yếu và đầy thử thách của thời thơ ấu. Đó là việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ để các em hiểu và áp dụng quy tắc xã hội, hài hoà với thiên nhiên, tôn trọng sự đa dạng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tự chủ tích cực, giải quyết xung đột, tiếp nhận trên quan điểm những người khác... để thực hiện được ở trẻ thì cần hình thành ở người lớn – những người có tác động đến cuộc sống của trẻ như giáo viên, cha mẹ, những nhà quản lý.
Có thể nói là với trẻ em, việc hình thành những thói quen tốt sẽ tác động tích cực đến tính cách của các em sau này nên việc giáo dục tình cảm, kĩ năng xã hội cho trẻ trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non là vô cùng cần thiết. Trong đó vai trò của người lớn là các bậc cha, mẹ và giáo viên là hết sức quan trọng.
Hơn ai hết, những người tiếp cận trẻ nhiều nhất, giữ vai trò giáo dục trẻ phải hiểu biết được về những năng lực tình cảm xã hội thông qua các hoạt động giáo dục hàng ngày để hình thành thói quen cho trẻ. Khi trẻ nhận thức, cảm nhận được điều phải trái sẽ tác động tốt đến hành vi sau này. Việc xây dựng hành vi hoà bình, đoàn kết cho trẻ thì không đợi đến khi lớn mới dạy cho con mà cần dạy ngay từ nhỏ.
Một câu hỏi được đưa ra để các bậc phụ huynh cùng trả lời là khi trẻ chơi với nhau xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi và quan điểm thì chúng ta dạy bằng cách quát nạt, đòn roi hay hướng cho con xin phép bạn, thoả thuận với bạn. Câu trả lời là trong trường hợp này, cần phải hướng dẫn, giáo dục trẻ khi gặp những thử thách nên có lựa chọn hành vi phù hợp hơn để tránh xung đột và tôn trọng quyền và quan điểm của người khác.
Cũng như vậy, việc giáo dục trẻ hình ý thức bảo vệ môi trường, kỹ năng xã hội giúp trẻ biết cảm thông, chia sẻ với mọi người, biết yêu thương, trân trọng những giá trị văn hoá, đạo đức xã hội, là nền tảng, cơ sở để trẻ trở thành người có trách nhiệm và có cuộc sống hài hoà trong tương lai.
Thời gian qua ở một số trường học từ mầm non cho đến tiểu học, trung học đã xảy ra một số sự việc đáng tiếc, gây hậu quả xấu. Hệ lụy của việc này, phần nào xuất phát từ nguyên nhân trẻ thiếu kỹ năng sống, chưa được giáo dục tình cảm xã hội một cách đầy đủ. Những sự việc trên cho thấy việc giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ là hết sức cần thiết.
Giáo dục trẻ nhận biết được những điều phải trái, dạy các em cảm nhận được tình yêu thương, sống có trách nhiệm với xã hội, có được những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, đó chính là cơ sở để trẻ phát triển toàn diện trên cơ sở duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội, gắn kết tình yêu thương, chia sẻ đồng cảm với mọi người, biết tôn trọng và đối xử tốt với những người xung quanh.