Mô hình VNEN thúc đẩy học sinh học tập tích cực

GD&TĐ - Năm học mới đã bắt đầu, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là việc có tiếp tục triển khai Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) hay không? Với góc độ một địa phương còn khó khăn, với vai trò là hiệu trưởng một trường tiểu học, sau hai năm học triển khai Mô hình VNEN ở trường. Tôi đóng góp một vài ý kiến chia sẻ những gì đã trải nghiệm trong thời gian qua.

Mô hình VNEN thúc đẩy học sinh học tập tích cực

Bắt đầu với đổi mới sinh hoạt chuyên môn

Xuân Đường là một xã vùng sâu thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Dân cư phần lớn là những người di dân theo diện đi kinh tế mới đến khai phá rừng làm rẫy, làm công nhân cao su, thu nhập của phần lớn hộ dân chỉ ở mức độ thoát nghèo. Những ngày đầu tham gia, chúng tôi đều rất lo âu, bởi giáo viên vốn gắn bó bao năm với chương trình và quy trình dạy học hiện hành, lại không có kinh phí tài trợ từ nguồn dự án. Thêm vào đó, cha mẹ HS và cộng đồng địa phương đa số nghèo và chưa biết gì về mô hình, trong khi nhà trường vẫn phải bảo đảm chất lượng GD của trường chuẩn. Thật sự, lúc đó tôi cũng chưa thật sự tin tưởng về hiệu quả của mô hình, nhất là đối với các trường ngoài dự án như trường tôi.

Dần dần, chúng tôi đã nhận ra cách giải quyết tốt nhất là vận dụng linh hoạt những giá trị cốt lõi của mô hình như: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn, hoạt động học, phối hợp với cha mẹ HS và rèn kỹ năng tự quản để ổn định, nâng dần chất lượng GD một cách bền vững.

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài dạy là hoạt động chuyên môn được đổi mới của trường học VNEN. Tôi đã chỉ đạo chuyển sinh hoạt chuyên môn tổ theo định hướng nghiên cứu hoạt động học của HS. Sinh hoạt chuyên môn tổ hàng tháng lần thứ nhất thảo luận về một bài học, chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất cần đạt; phương pháp, phương tiện dạy học có thể sử dụng để đạt hiệu quả cao; dự kiến những thuận lợi, khó khăn của HS khi tham gia các hoạt động học tập và cách giải quyết. Lần sinh hoạt thứ hai, một giáo viên trong tổ dạy minh họa bài học này, tất cả giáo viên trong tổ dự giờ và quan sát, ghi chép hoạt động học của HS. Sau tiết dạy, giáo viên dạy tự nhận xét về những gì đã thực hiện được, chưa thực hiện được, giáo viên trong tổ đóng góp ý kiến. Từ đó, mỗi giáo viên tiếp tục vận dụng, kiểm nghiệm những vấn đề này trong thực tiễn dạy học của bản thân.

Tổ chức hoạt động học theo VNEN

Nếu đổi mới sinh hoạt chuyên môn là giá trị tích cực đầu tiên thì giá trị quan trọng thứ hai là vận dụng cách tổ chức hoạt động học của Mô hình VNEN. Tôi đã tham dự nhiều giờ dạy, chia sẻ trăn trở của thầy cô để làm sao bảo đảm thời lượng, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng và cho mỗi HS được làm, được phát biểu, được hỏi nhiều nhất trong từng hoạt động học.

Với sách giáo khoa của VNEN, các HS có học lực khá có thể tự học, làm việc để có sản phẩm, nêu ý kiến với bạn bè, với GV về cách giải quyết vấn đề theo suy nghĩ của các em, từ đó vừa nắm được kiến thức, kĩ năng chưa biết, vừa được bộc lộ, phát huy năng lực riêng của mình. Với HS có lực học dưới mức trung bình, GV phải chủ động trực tiếp hỗ trợ, đề nghị các bạn cùng tham gia giúp đỡ. Việc học nhóm là cần thiết, song không thể áp đặt mà cần phù hợp với tình huống sư phạm để giúp cho mỗi HS đều được học và có tiến bộ so với chính bản thân.

Việc tương tác với bạn, với thầy giúp HS tự giác tham gia vào hoạt động học, suy nghĩ, trao đổi, thảo luận, thực hành, thao tác với ĐDHT để lĩnh hội bài học; mỗi nhóm có sự phân công cụ thể cho mọi thành viên thực sự tham gia, ý kiến cá nhân được tôn trọng và đi đến thống nhất. HS lực học yếu vượt qua khó khăn để đạt chuẩn, HS lực học từ trung bình trở lên học sâu, rèn tính độc lập cao. Đây chính là biểu hiện của việc học tập tích cực thực sự, thể hiện ở thái độ, mức độ tích cực chủ động của mỗi HS.

Thu hút sự vào cuộc của cha mẹ HS

Giá trị tích cực thứ ba của Mô hình VNEN là tạo nhiều cơ hội để cha mẹ HS tham gia vào hoạt động GD của trường lớp một cách tự nhiên, hiệu quả nhất.

Tôi cùng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp tìm cách đổi mới hình thức họp cha mẹ HS định kỳ, bắt đầu bằng việc cha mẹ HS cùng dự giờ một tiết học, quan sát cách học của con em, sau đó cùng tham gia trang trí lớp học cùng với con em. Nhờ vậy, cha mẹ HS biết các con học thế nào, biết rằng con em ngoài việc học như bình thường còn có cơ hội rèn thêm kỹ năng giao tiếp, hợp tác, điều hành. Từ đó, cha mẹ HS có trách nhiệm phối hợp cùng nhà trường hình thành, phát triển kỹ năng học tập tích cực thật sự

Một giá trị tích cực nữa của Mô hình VNEN là rèn HS tính tự quản đối với mọi hoạt động của lớp học. Tôi mạnh dạn cắt bỏ những hình thức trang trí cầu kỳ, những hoạt động tự quản mang tính hình thức mà định hướng đội ngũ thầy cô giáo giúp các em phát huy tính tự quản trong việc cùng tham gia xây dựng, bảo quản, sử dụng môi trường học tập lớp. Đây cũng là cách làm cho việc xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, khai thác được nhiều nguồn tài liệu.

Mô hình VNEN là một phương thức dạy học. Phương thức này là một giải pháp gợi ý giúp mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện GD” từ quan điểm, tư tưởng đến mục tiêu, nội dung phương pháp. Mô hình VNEN với những giá trị cốt lõi là hình thành, phát triển kỹ năng tự học như một kho tàng mà những thầy cô giáo chúng ta có thể tham khảo, nghiên cứu và khai thác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.