Địa phương triển khai thành công nhất VNEN.

GD&TĐ - Lào Cai là tỉnh đăng kí tham gia thí điểm Mô hình trường học mới (VNEN) ngay từ năm đầu tiên (năm học 2011-2012) với 4 trường/8 lớp/171 HS ở 2 huyện Sa Pa, Bát Xát. Đến năm 2015-2016 Lào cai đã có 158 trường thực hiện VNEN, trong đó có 78 trường nhân rộng. Lào Cai đã trở thành địa phương triển khai thành công nhất VNEN.

Học sinh lớp học VNEN Trường tiểu học Tả Phìn (Sapa, Lào Cai)
Học sinh lớp học VNEN Trường tiểu học Tả Phìn (Sapa, Lào Cai)

Để hiểu hơn về quá trình triển khai và những bài học kinh nghiệm khi thực hiện VNEN, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã trao đổi với cô Trần Thị Minh Thu - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai).

* Được biết, Lào Cai là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm VNEN và trở thành tỉnh thực hiện thành công nhất Mô hình này. Vậy Sở GD&ĐT đã triển khai, thực hiện như thế nào để có được thành công như ngày hôm nay?

- Cô Trần Thị Minh Thu: Sở GD&ĐT xác định thực hiện dạy học theo mô hình VNEN là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa sâu sắc về khoa học và là cơ hội tốt để nâng cao chất lượng cho học sinh, đặc biệt giúp các em học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo đạt chuẩn kiến kiến thức, kỹ năng từng môn học và các hoạt động giáo dục khác song song với sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng cá nhân phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Theo đó, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, thực hiện mô hình VNEN. Thành lập Ban quản lý Dự án và Ban hành Quy chế hoạt động của Ban QL Dự án Mô hình trường tiểu học mới tại Việt Nam tỉnh Lào Cai.

Thành lập 81 Tổ thực hiện Dự án Mô hình trường tiểu học mới tại Việt Nam tỉnh Lào Cai cấp trường. Hằng năm, các hoạt động chuyên môn của Dự án được đưa vào Hướng dẫn chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học của Sở GD&ĐT. Do đó, tạo được sự thống nhất và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời các đơn vị trong quá trình thực hiện.

Sở cũng thành lập tổ cốt cán chuyên môn cấp tỉnh 40 người có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và có hiểu biết về mô hình VNEN. Tổ cốt cán có nhiệm vụ thực hiện dưới hình thức Đổi mới sinh hoạt chuyên môn.

Đến tận trường hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu bài dạy (điều chỉnh hoạt động phù hợp), dự giờ, điều hành chia sẻ giờ dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát hiện ra những khó khăn, kịp thời giải quyết và có định hướng cụ thể trong thời gian tiếp theo.

Đội ngũ CBQL, giáo viên cốt cán của tỉnh Lào Cai ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, nhiều năm liền được Bộ GD&ĐT lựa chọn làm giảng viên tập huấn cho các đồng nghiệp của nhiều địa phương khác.

* Vậy Lào Cai đã áp dụng những giải nào để nâng cao năng lực chuyên môn cho các CBQL, GV?

- Cô Trần Thị Minh Thu: Chúng tôi đã áp dụng các giải pháp sau:

Giải pháp chuyên môn sâu: Thành lập tổ cốt cán chuyên môn cấp tỉnh, huyện, trường. Lập kế hoạch tập huấn và hỗ trợ kĩ thuật, tư vấn tại chỗ. Thành lập Câu lạc bộ Hiệu trưởng để chia sẻ, kết nối, hỗ trợ. Câu lạc bộ hiệu trưởng sinh hoạt 2 tháng 1 lần, luân phiên tại các huyện.

Kết hợp kiểm tra với bồi dưỡng chuyên môn: Lấy giờ học là đơn vị kiểm soát và lấy chất lượng học của từng học sinh làm chỉ số đánh giá. Kiểm soát chất lượng học sinh theo phương thức từng khảo sát viên làm việc với từng học sinh đo tốc độ đọc, tốc độ viết, tốc độ tính toán theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; thiết kế bảng kiểm đánh giá năng lực đọc, viết của học sinh lớp 1,2,3. Từ đó, điều chỉnh cách dạy, cách học

Giải pháp Bồi dưỡng đội ngũ: Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (GV) thông qua phân tầng bồi dưỡng: Bồi dưỡng đội ngũ cốt cán cấp tỉnh, huyện và trường:

Cốt cán giỏi (nhiều CBQL) đủ mạnh và có trách nhiệm bồi dưỡng tập trung/theo cụm trường/ ở từng trường/tự bồi dưỡng và bồi dưỡng tại chỗ cho giáo viên đại trà (chủ yếu thông qua sinh hoạt chuyên môn).

Một trong những thành công trong việc triển khai thực hiện và nhân rộng Mô hình VNEN của tỉnh Lào Cai là tổ chức nhân rộng điển hình: Các trường trong tỉnh, trong huyện học hỏi, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Đồng thời, chỉ đạo các trường chủ động đón tiếp các đoàn CBQL, GV các tỉnh bạn đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Tính đến hết tháng 3/2016, các trường trong tỉnh đón 115 đoàn với 4269 người. Việc thường xuyên đón tiếp các đoàn đến tham quan đã giúp CBQL năng động, sáng tạo, chủ động hơn và luôn có nhu cầu nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của nhà trường; GV luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, điều chỉnh tài liệu học tập phù hợp; học sinh mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp, chia sẻ với các đoàn.

* Được biết, Sở GD&ĐT Lào Cai đã có bước tiến mới về sư phạm trong quá trình triển khai tài liệu VNEN. Vậy cô có thể nói rõ hơn về bước tiến này?

- Cô Trần Thị Minh Thu: Đúng là có bước tiến mới về sư phạm trong quá trình triển khai tài liệu VNEN. Cụ thể: Bộ GD&ĐT đã quay băng hình 20 tiết dạy do các giáo viên cốt cán của tỉnh Lào Cai thực hiện. Bộ băng đĩa hình các tiết học là nguồn tư liệu chính cho các đợt tập huấn giảng viên cốt cán cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp trường tại 63 tỉnh thành.

Thành công lớn nhất của bộ băng đĩa hình là đã giúp cho các đơn vị trường đặc biệt là các trường nhân rộng nắm bắt được cách dạy, cách học theo mô hình VNEN, giải quyết được những vướng mắc sau 3 năm triển khai VNEN như:

Khi dạy hình thành kiến thức mới giáo viên thay vì dạy cả lớp chuyển thành dạy cho từng nhóm (đôi khi là dạy cá nhân). Việc làm này tốn rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao, giáo viên rất vất vả.

Vai trò của giáo viên trong lớp VNEN chưa rõ ràng (Gây nhiều tranh cãi): Nếu giảng giải nhiều thì chưa đúng với VNEN là học sinh tự học.

Nếu giảng giải ít GV sợ học sinh không hiểu (nhất là học sinh dân tộc thiểu số), sợ đồng nghiệp, cán bộ quản lý đánh giá không có kiến thức…

Vai trò của hội đồng tự quản (HĐTQ) và chủ tịch hội đồng tự quản, nhóm trưởng chưa thực hiện đúng tinh thần VNEN. Giáo viên để cho một học sinh (Chủ tịch HĐTQ) phải làm thay cô giáo quá nhiều việc, các thành viên khác của HĐTQ chưa phát huy được vai trò.

Việc kết nối công cụ trong lớp vào dạy các tiết học (góc toán, góc TV, hộp thư chia sẻ, hộp thư điều em muốn nói) hầu hết các giáo viên chưa thực hiện được.

Việc dạy học theo tiến độ, nhịp độ và giao nhiệm vụ - kiểm soát học sinh thực hiện nhiệm vụ chưa tốt (nhiều nhóm hoàn thành bài tập nhưng giáo viên để học sinh ngồi đợi cô giáo giao nhiệm vụ).

Đa số giáo viên thụ động, chưa điều chỉnh được các Chỉ dẫn trong sách Hướng dẫn học cho phù hợp với học sinh. Việc học cá nhân trong nhóm bị lu mờ nên cá nhân chưa kịp tiếp nhận và hiểu được nội dung kiến thức.

Những khó khăn đã được giải quyết, ngay sau đó, Cán bộ, Giáo viên của Lào Cai đã tự thiết kế một tiết tiếng Việt và tiến hành dạy trên đối tượng mới hoàn toàn (trường chưa thực hiện VNEN, giáo viên và học sinh chưa thực hiên VNEN), đặc biệt các em học sinh 100% là người dân tộc thiểu số (người Mông và người Dao).

Kết quả học sinh rất chủ động trong học tập, các em rất phấn khởi và tự tin, cô giáo cũng thực hiện rất tốt vai trò là người đồng hành, hướng dẫn học sinh.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên Lào Cai đã thiết kế tài liệu “Tuần làm quen lớp học VNEN tiểu học” được Nhà xuất bản giáo dục in ấn phát hành trên toàn quốc.

Xin cảm ơn cô!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ