Mô hình tự quản trong trường bán trú, nội trú: Trò giúp nhau cùng tiến bộ

GD&TĐ -Việc triển khai mô hình “HS nội trú, bán trú tự quản giúp nhau cùng tiến bộ” không những giúp các trường PTDTNT, PTDTBT đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số HS, mà còn góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện.

Mô hình tự quản của học sinh bán trú giúp cho hoạt động của học sinh tại trường lớp thêm nền nếp. Ảnh: NTCC
Mô hình tự quản của học sinh bán trú giúp cho hoạt động của học sinh tại trường lớp thêm nền nếp. Ảnh: NTCC

Phát huy hiệu quả mô hình tự quản

Cô Trần Thị Hữu, Tổng phụ trách Đội kiêm công tác quản lý bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai) cho biết: Trường có 321/817 HS bán trú. Số lượng HS bán trú đông, nếu không triển khai mô hình HS tự quản và giúp nhau cùng tiến bộ thì trường phải huy động nhiều GV tham gia công tác quản lý HS nội trú mà hiệu quả không bằng.

Hiện tại, đội tự quản của trường được lập với 20 HS, trong đó mỗi phòng bán trú bầu 1 HS tham gia vào đội. Các em có nhiệm vụ điều hành hoạt động liên quan tới nền nếp, kỷ luật, nắm bắt sĩ số... HS bán trú trong học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Cụ thể, đội tự quản sẽ điểm danh nhắc nhở HS bán trú trong hoạt động thể dục buổi sáng, hướng dẫn xếp hàng ăn trưa, ăn tối; nắm bắt sĩ số trên lớp và lý do vắng mặt. Buổi tối “điểm danh” HS cùng phòng, thu điện thoại di động trước khi đi ngủ tránh tình trạng mải xem không sinh hoạt đúng giờ giấc quy định; trả điện thoại vào buổi sáng…

Tất cả những thông tin, sự việc gì xảy ra hàng ngày cũng được đội tự quản báo lại đầy đủ với thầy cô quản lý bán trú. Trên cơ sở đó, nhà trường nắm bắt được tình hình chung, GV nhanh chóng điều chỉnh các vấn đề nảy sinh liên quan đến HS bán trú.

Cũng là trường có số HS bán trú đông, cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng 1 (Si Ma Cai, Lào Cai) trao đổi: Vào đầu năm học trường thành lập tổ tự quản với thành phần chính là HS, phân công nhiệm vụ cho tổ. Thành viên trong tổ tự quản đảm trách vai trò nhắc nhở, giám sát, hướng dẫn HS bán trú trong học tập và sinh hoạt...

Với cách bố trí và triển khai hợp lý, tổ tự quản đã giảm áp lực, vất vả đáng kể cho GV nhà trường trong công tác quản lý HS bán trú. “Thay vì hàng ngày, vào những khung giờ nhất định GV phải đi từng phòng nhắc nhở việc dọn vệ sinh, ngủ trưa, tối đúng thời gian… thì tổ tự quản tại chỗ có thể làm tốt công việc này. HS nào chưa thực hiện tốt, tổ tự quản có trách nhiệm ghi danh sách, thông tin tới GV quản bán trú để nhắc nhở, điều chỉnh.

Tăng cường gắn bó của học sinh bán trú khi phát huy mô hình tự quản. Ảnh: NTCC
Tăng cường gắn bó của học sinh bán trú khi phát huy mô hình tự quản. Ảnh: NTCC

“Mỗi trường có từ 10 - 20 phòng bán trú, nếu chỉ giao GV đảm trách công tác quản lý sẽ vất vả và không đủ thời gian triển khai nhiệm vụ cùng lúc. Mặt khác, hầu hết số lượng GV trong các trường không nhiều, thậm chí thiếu; HS thì nghịch ngợm… có tổ tự quản hỗ trợ trong quản lý, nền nếp HS bán trú dù chưa ngoan cũng sẽ vào “guồng” trong mọi hoạt động, thói quen theo quy định” – cô Hường trao đổi.

Tại Trường PTDTBT Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai), theo thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện mô hình “Học sinh nội trú, bán trú tự quản giúp nhau cùng tiến bộ” mà ngành GD-ĐT Lào Cai phát động, năm học này trường đi sâu và phát triển theo hướng HS bán trú giúp nhau tiến bộ trong học tập.

Khi được giao trách nhiệm, các em sẽ gắn bó, chủ động hỗ trợ bạn trong học tập. Bên cạnh đó, có sự đua chen giữa các nhóm bạn giúp nhau càng thúc đẩy hoạt động hỗ trợ học tập thêm chủ động, gắn bó để có kết quả cao. Với môn học chính như Toán, Tiếng Việt ở những năm học trước, GV phải tăng cường thời gian kèm riêng thì hiện nay nhóm HS giúp nhau đã chủ động trong ôn tập. Dưới sự hướng dẫn của GV, các em có thể giúp và học cùng nhau trên lớp, giờ ra chơi hoặc sau giờ học… do đó, hiệu quả giáo dục nâng lên rất nhiều. Số HS phải hỗ trợ riêng giảm đáng kể…

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), năm học này có 275 học sinh ở nội trú, 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Bảo, để đảm bảo nền nếp trong các khu nội trú, mỗi phòng đều có đội tự quản, dưới sự hướng dẫn, quản lý trực tiếp của giáo viên trực nội trú hàng ngày.

“Chúng tôi bố trí 1 tổ trường, 2 tổ phó, thường là các em khối 4, 5 (đã xây dựng được thói quen, nền nếp). Trên cơ sở đó, đội tự quản vừa có nhiệm vụ nêu gương, hướng dẫn và trực tiếp giám sát các bạn trong phòng thực hiện các quy định trong ăn, ngủ, học tập, sinh hoạt hàng ngày”, thầy Bảo cho biết.

Cũng theo thầy Bảo, vì là cấp tiểu học, các em còn rất nhỏ tuổi nên nhà trường phân công luân phiên 2 giáo viên nữ trực nội trú ban ngày, và 2 giáo viên nam trực đêm. Mục đích để kịp thời nắm bắt tình hình tại các phòng nội trú thông qua từng đội tự quản, trên cơ sở đó nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các em.

Học sinh tự quản giúp duy trì sĩ số nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: NTCC
Học sinh tự quản giúp duy trì sĩ số nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: NTCC

Để mô hình đi vào thực tiễn

Thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào khẳng định đội tự quản nhà trường đang làm tốt vai trò, nhiệm vụ. Điều đó giúp ích cho nhà trường rất nhiều trong công tác quản lý HS bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Mô hình HS tự quản và giúp nhau tiến bộ giúp cho công tác quản lý HS bán trú đi vào chiều sâu, sát sao, hiệu quả. Đội ngũ GV ngoài công tác giảng dạy chính được giảm áp lực đáng kể khi phải kiêm nhiệm công việc quản lý HS bán trú. Chia sẻ điều này, cô Hoàng Thị Thủy, Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng 1 cũng cho hay: Thầy cô có thêm thời gian tập trung cho công tác chuyên môn còn HS được tăng cường những kiến thức, kỹ năng từ thực tế.

Giàng A Vàng lớp 9C Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào tham gia trong đội tự quản của nhà trường hào hứng với mô hình này. “Chúng em không thấy nặng nề hay vất vả bởi cơ bản các hoạt động đều gắn liền với thực tiễn sinh hoạt học tập của HS. Thay vào đó, em học được thêm kinh nghiệm quản lý, kỹ năng xử lý tình huống… thông qua sự hướng dẫn của các thầy cô khi tham gia mô hình tự quản”, Giàng A Vàng nói.

Anh Giàng A Tùng, Hội trưởng Hội phụ huynh lớp 9A Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào cũng bày tỏ niềm tin vào mô hình tự quản. “Trước đây, dù nhà xa thì 2 - 3 ngày vẫn xuống trường để nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt của con. Nhưng từ khi nhà trường áp dụng mô hình tự quản, HS không chỉ được đội tự quản nhắc nhở sát sao về mặt trật tự, mà còn hỗ trợ trong học tập để cùng nhau tiến bộ… Do đó, gia đình hoàn toàn yên tâm khi con bán trú tại trường. Ý thức, nền nếp, học tập của con đã tiến bộ rõ ràng…”.

“Ngoài những khó khăn chung của lứa tuổi, các em đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế rất nhiều về kỹ năng trong cuộc sống, như: Khả năng tự phục vụ bản thân, giao tiếp, giải quyết các vấn đề, đối phó với khó khăn… Chính vì vậy, các kỹ năng mềm này sẽ được giới thiệu, rèn luyện cho trò ngay từ những ngày đầu vào trường. Và các em sẽ là hạt nhân nòng cốt trong các đội tự quản để tiếp tục bảo ban, quản lý học sinh khóa sau”, thầy Bảo nói.S

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

'Giáo án' đặc biệt

GD&TĐ - Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.