Cách làm hay bảo đảm an toàn cho HS trường bán trú

GD&TĐ - Đối với học sinh dân tộc, phần lớn thời gian học tập, sinh hoạt của các em diễn ra ở trường. Chính vì vậy, bên cạnh việc dạy kiến thức, nhà trường và thầy cô có trách nhiệm thay thế gia đình bảo đảm an toàn cho HS tại trường lớp. Giáo dục kĩ năng sống để bảo vệ an toàn cho bản thân đang là biện pháp được nhiều trường bán trú lựa chọn, giúp HS không bị động trước những tình huống bất ngờ.

Tăng cường kĩ năng sống qua hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Thanh Long
Tăng cường kĩ năng sống qua hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Thanh Long

Không để HS thiếu kĩ năng phòng vệ

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương - Lào Cai), việc trang bị các kĩ năng ứng phó tình huống thực tế cho HS thường được tổ chức trong các giờ sinh hoạt đầu tuần với phương pháp nói chuyện, chiếu hình ảnh tĩnh và video về bạo lực học đường, xâm phạm thân thể HS, hậu quả của lạm dụng tình dục, yêu và kết hôn chưa tới tuổi vị thành niên, cháy nổ, bắt cóc, hỏa hoạn… giúp HS nhận diện, nhận thức từ đó tác động đến ý thức và biết cách xử lý.

Đặc biệt, trường còn đưa đến cho HS một số tình huống giả định thực tế bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước; chẳng hạn như nhờ người lạ, hoặc chính thầy cô giáo đeo khẩu trang kín mặt, mặc áo mưa… đi tới các lớp và nhóm HS trong trường, trà trộn vào nhóm HS trên đường đi học về để gạ gẫm, cho quà… rồi rủ HS trốn học, đưa ra khỏi trường, khống chế, bắt cóc. Hoặc ngay khi buổi học đang diễn ra, nhà trường bất ngờ báo động có hỏa hoạn, bão lũ…

Với cách làm thực tế này BGH, GV nhà trường có cơ hội trực tiếp ghi nhận cách xử lý ứng phó thật của HS khi gặp tình huống mất an toàn; đánh giá lại vấn đề nắm bắt kiến thức, kĩ năng qua giáo dục lý thuyết để ứng dụng vào thực tế.

Sau khi tại địa phương nọ xảy sự việc nữ giáo viên phạt HS đầy bạo lực theo cách cho nhiều HS trong lớp tát vào mặt một HS thì BGH Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang), đã lấy ngay tình huống thực tế đó để đưa vào giờ sinh hoạt ở các lớp để trao đổi và trang bị kĩ năng ứng phó, thoát khỏi bạo lực học đường cho HS toàn trường.

Thầy giáo Trịnh Trọng Thiết - Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, HS nhà trường 100% là con em dân tộc Mông, Nùng. Các em ngoan, lễ phép với thầy cô, song nếu gặp tình huống đặc biệt như vậy chắc chắn không biết cách phòng vệ bản thân, xử lý tình huống để thoát khỏi nguy hiểm. Chính vì vậy, đưa tình huống có thật vào GD kĩ năng sống cho HS giúp các em có kĩ năng sống tốt hơn. Khi rơi vào hoàn cảnh mất an toàn do chính thầy cô, bạn bè mang đến… HS sẽ biết phản ứng tức thì, hợp lý, linh hoạt, không cam chịu để bảo vệ chính mình và bạn bè.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Tăng cường trách nhiệm nhà trường và thầy cô

Thầy giáo Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu cho biết: Trường có 118/285 HS bán trú. 100% là HS dân tộc (Phù Lá, Thu Lao, Mông…). Trong quá trình học tập, HS chủ yếu xa gia đình và gắn với nhà trường nên việc bảo đảm an toàn cho HS là trách nhiệm quan trọng được nhà trường xác định và quán triệt với đội ngũ thầy cô giáo.

Ngay từ đầu năm học, để bảo đảm tối đa an toàn cho HS tại trường lớp, mặc dù còn khó khăn, BGH vẫn quyết định đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera giám sát tại một số phòng chức năng chung như phòng ăn, phòng tự học buổi tối, thư viện… Thông qua hệ thống camera này, BGH, GV làm nhiệm vụ trực và quản lý sẽ nắm được hoạt động chung của HS từ đó can thiệp, điều tiết, chỉ đạo kịp thời khi có các “vấn đề nóng” xảy ra.

Mặt khác, bảo đảm an toàn cho HS bán trú tại trường còn được tiến hành từ việc sắp xếp bố trí chỗ ăn ở HS, lịch quản lý HS bán trú của GV. Khu nội trú HS nam và nữ tách biệt. Mỗi ca trực buổi tối trường bố trí ít nhất 4 người (lãnh đạo trường, giáo viên quản lý, nhân viên) để giám sát HS.

HS dân tộc có đặc tính hiền lành, nhút nhát, cách ứng xử trước sự việc, vấn đề cuộc sống còn chậm. Chính vì vậy, khi rơi vào những tình huống mất an toàn, các em thường lúng túng, cam chịu, không biết cách phản ứng, phản biện phù hợp để bảo vệ bản thân, bạn bè… Đối với các trường có HS bán trú, công tác đảm bảo an toàn, giáo dục kĩ năng sống cho HS càng cần được coi trọng và tiến hành có hiệu quả cao.

Thầy Hà Trần Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải - Yên Bái) cho rằng: Tăng cường kĩ năng phòng chống bạo lực học đường, lạm dụng tình dục, an toàn thân thể trong các tình huống diễn ra hàng ngày cho HS (đặc biệt HS dân tộc) là vấn đề quan trọng và cần thiết đối với các trường có HS bán trú.

Trường có 401/488 HS bán trú. 99% là con em đồng bào Mông. Kĩ năng sống của HS còn hạn chế. Từ đầu năm học, hàng loạt nội dung như sức khỏe sinh sản; chống tảo hôn; hôn nhân cận huyết, lạm dụng tình dục, an toàn giao thông… được đưa vào giáo dục lồng ghép trong các môn học, giờ sinh hoạt toàn trường và trong hoạt động ngoại khóa văn hóa, văn nghệ thể thao. Thông qua đó HS sẽ tự nâng cao thể chất, kỹ năng sống.

Trường còn lập đội cờ đỏ, chọn ra HS khá, giỏi để cùng GV hướng dẫn, tuyên truyền cho HS khác trong vấn đề sức khỏe sinh sản, kĩ năng ứng phó khi bị lạm dụng tình dục, lôi kéo bỏ học kết hôn sớm… Trường cũng tăng cường mời đại diện phòng tư pháp, văn hóa của huyện đến tuyên truyền các vấn đề liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.