Gỡ khó cho trường bán trú

GD&TĐ - Cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ chăm sóc, giáo dục học sinh bán trú (HSBT). Thiếu kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên. Công tác hợp đồng nhân viên cấp dưỡng, nguồn thực phẩm hằng ngày còn bất cập, bị động… 

Gỡ khó cho trường bán trú

Đó là những khó khăn cơ bản mà hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang phải đối mặt hiện nay.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Kể từ khi thành lập đến nay, hệ thống trường PTDTBT đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì và tăng quy mô HS trong độ tuổi đến trường, giảm tỉ lệ HS bỏ học, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục và duy trì kết quả phổ cập bền vững ở những vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Tuy nhiên, để mô hình trường học này phát huy hiệu quả và thực hiện đúng chức năng, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển hệ thống trường PTDTBT phù hợp với quy mô phát triển dân số, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, thì cần quan tâm tìm cách tháo gỡ những khó khăn, bất cập đã, đang tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo thầy Hoàng Văn Hải – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), là một trường PTDTBT đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Kon Tum nhưng Trường PTDTBT Tu Mơ Rông đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn cơ bản nhất là thiếu nhà bếp, nhà ăn cho HSBT; định biên cho nhân viên nấu ăn phục vụ bán trú không có nên giáo viên phải phụ trách thực hiện toàn bộ và thiếu nguồn kinh phí chi thường xuyên nhằm đảm bảo công tác tổ chức bán trú cho HS.

Thầy Hải cho biết: “Mặc dù là một trường PTDTBT thành lập mới nhưng để thực hiện hoạt động bán trú cho HS, hằng ngày, ngoài nhiệm vụ giảng dạy trên lớp, giáo viên còn phải trực tiếp nấu ăn, đảm bảo an toàn cho HSBT.

Nguồn kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động bán trú cũng rất eo hẹp. Mỗi năm học chỉ có 240 triệu tiền chi cho các hoạt động thường xuyên nhưng chỉ mới tính riêng tiền điện thì đã mất 60 triệu đồng. Nguồn thực phẩm cung cấp cho HS hằng ngày cũng hết sức đắt đỏ nên chúng tôi cũng không thể cắt bớt tiền ăn của HS để chi cho hoạt động bán trú khác được. Hàng ngày, giáo viên, HS phải đi vào đồi núi tìm kiếm củi làm chất đốt phục vụ nấu ăn bán trú”.

Cũng như nhiều trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Gia Lai, điều kiện hoạt động của các trường PTDTBT trên địa bàn huyện K’Bang gặp phải rất nhiều khó khăn. Do không có kinh phí nên để duy trì hoạt động, các trường PTDTBT buộc phải khấu trừ từ tiền ăn của HSBT để chi trả các khoản: Hợp đồng cấp dưỡng, mua sắm đồ dùng phục vụ sinh hoạt nội trú cho HS...

Thầy Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện K’Bang chia sẻ, hiện nay, toàn huyện K’Bang có 7 trường PTDTBT với 1.686 HSBT từ lớp 1 đến lớp 9. Hầu hết, hệ thống cơ sở vật chất các trường THPTBT đều thiếu thốn, nhất là về nhà ở, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch cho HSBT. Một khó khăn cơ bản khác là kể từ khi thành lập đến nay, do không có kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên cho mô hình trường PTDTBT nên ngành GD&ĐT huyện K’Bang đành phải “ngậm ngùi” khấu trừ tiền ăn của HSBT để hợp đồng nhân viên cấp dưỡng và các khoản chi phí khác như: Kem, bàn chải đánh răng, xà phòng, điện nước...

Thầy Hải cho hay: “Mọi kinh phí hoạt động của các trường học bán trú trên địa bàn đều dựa vào số tiền ăn 460.000 đồng/HSBT. Chúng tôi cảm thấy rất xót xa nhưng thực sự không còn cách nào khác. Có nhiều đoàn về kiểm tra, nói chúng tôi làm sai chế độ. Chúng tôi thừa nhận sai và đề nghị đoàn kiểm tra chỉ cho chúng tôi cách có nguồn kinh phí để chi trả cho đúng.

Nhưng không ai chỉ ra được giải pháp cả. Vì thế, giữa sự tồn tại của hệ thống trường PTDTBT, nâng cao chất lượng giáo dục và cái chuyện sai đó, chúng tôi buộc phải chấp nhận chọn việc tồn tại và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, trong 5 năm qua, hệ thống trường PTDTBT tại tỉnh Ninh Thuận đã có sự phát triển nhanh về quy mô. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học tại các trường này hiện vấp phải quá nhiều khó khăn.

Theo cô Trần Thúy Vân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), đa phần các trường PTDTBT tại các địa phương đều được chuyển đổi từ trường tiểu học, THCS, PTCS công lập nên các cơ sở vật chất thiết yếu liên quan như sinh hoạt của HSBT chưa được trang bị đủ.

Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các trường PTDTBT, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chỗ ăn, chỗ ở cho HSBT, cần phải có sự quan tâm đầu tư phòng học bộ môn, phòng đa năng cho các hệ thống trường học này. Có như thế mới thu hút HS dân tộc thiểu số, miền núi đến trường.

Thống kê của Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho thấy, hiện nay tỉ lệ cơ sở vật chất được kiên cố của hệ thống trường PTDTBT chỉ chiếm từ 30 - 50%, còn lại là các công trình bán kiên cố, tạm bợ hoặc thuê/mượn. Đến nay chỉ có khoảng 67% HS (98.400/145.998 HS) được ở nội trú tại trường, 60% HS được ăn tập trung tại nhà ăn.

Ở một số trường, giáo viên phải thuê phòng trọ để nhường chỗ ở nội trú cho HS, hoặc HS tự làm lán, trại xung quanh trường để ở. Trong số 1.970 nhân viên cấp dưỡng đang phục vụ tại các trường PTDTBT của các địa phương có tổ chức mô hình trường học này thì chỉ có 791 nhân viên có hợp đồng, còn lại đều thuê theo thời vụ.

Theo ông Trần Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT), để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hệ thống các trường PTDTBT, các cơ sở GD&ĐT cần chủ động tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, rà soát, quy hoạch phát triển mạng lưới trường PTDTBT phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho trường PTDTBT, nhất là các công trình thiết yếu phục vụ việc ăn, ở và sinh hoạt cho HSBT. Các cơ sở giáo dục có HSBT cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Mặt khác, chính quyền địa phương cần bố trí hợp lý nguồn kinh phí cho việc hợp đồng nhân viên cấp dưỡng phục vụ HSBT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.