Trường bán trú góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc

GD&TĐ - Hình thành từ một loại hình trường học do nhân dân sáng tạo ra, đến nay, trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã trở thành một loại hình trường chuyên biệt tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

Trường bán trú góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc

Việc phát triển mạnh mẽ loại hình trường PTDTBT trong những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới.

Tăng nhanh về quy mô mạng lưới trường lớp

Có thể thấy rằng, từ khi ra đời đến nay, quy mô, số lượng loại hình trường PTDTBT liên tục tăng nhanh. Nếu như năm học 2010 - 2011, cả nước mới có 2 tỉnh thành lập trường PTDTBT với 127 trường, 13.230 học sinh bán trú; thì đến năm học 2015 - 2016, cả nước có 28 tỉnh đã thành lập trường PTDTBT gồm 979 trường với 145.998 học sinh bán trú. Cùng với đó, số lượng trường phổ thông có học sinh bán trú cũng tăng mạnh. Bởi nếu như năm học 2010 - 2011, trên cả nước chưa có trường phổ thông nào có học sinh bán trú, thì năm học 2015 - 2016, cả nước có 118.978 học sinh bán trú tại 1.982 trường phổ thông của 30 tỉnh.

Nhìn nhận về sự hình thành và phát triển của hệ thống trường PTDTBT ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, lãnh đạo các Sở GD&ĐT có loại hình trường này cho rằng, việc ra đời, phát triển hệ thống trường PTDTBT là một tất yếu của lịch sử giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Trường PTDTBT ra đời không chỉ tạo cơ hội đến trường cho con em vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; mà còn là bước ngoặt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Nói như ông Trần Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) thì hệ thống trường PTDTBT thành lập tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học. Trong thời gian qua, hệ thống trường PTDTBT đã góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đồng thời tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các địa phương trong thời kỳ đổi mới.

Chất lượng không ngừng được nâng cao

Theo ông Trần Xuân Thủy, từ khi có trường PTDTBT, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực khá giỏi tăng lên theo hằng năm. Năm học 2015 - 2016 có nhiều trường PTDTBT có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh như ở Nghệ An, Điện Biên… Ở nhiều địa phương, chất lượng giáo dục của trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú đã trội lên vượt bậc so với các trường phổ thông cùng cấp học của vùng. Đó là kết quả từ sự triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh mà hệ thống trường PTDTBT mang lại cho các địa phương, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Với những thuận lợi mà hệ thống trường PTDTBT mang lại, trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục đã tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. Các trường linh hoạt tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực học sinh trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, đội ngũ giáo viên tích cực hướng dẫn học sinh học tập, rèn luyện; đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số.

Phó Vụ trưởng Trần Xuân Thủy cho biết thêm: Ngoài việc, xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể cho từng ngày, tuần, tháng, kỳ và năm học, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mô hình tự học buổi tối cho học sinh bán trú… các trường PTDTBT còn tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù, giáo dục ngoài giờ chính khóa đã tạo nên một phong trào thi đua học tập, rèn luyện sôi nổi trong học sinh bán trú.

Chính những hoạt động giáo dục đặc thù, giáo dục ngoài giờ chính khóa ở trường PTDTBT không chỉ góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu, lối nghĩ, nếp sống cho học sinh dân tộc thiểu số; mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh dân tộc thiếu số. Đây là nền tảng căn bản để các trường PTDTBT không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển một cách ổn định và bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ