Mô hình Trường học mới phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Một trong những điều kiện cơ bản để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới là các trường phổ thông được đổi mới căn bản và toàn diện về tổ chức hoạt động và cơ sở vật chất. Việc áp dụng Mô hình Trường học mới VNEN đã có những thế mạnh trong việc phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, hình thành cho các em năng lực tự chủ trong học tập.

Mô hình Trường học mới phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục

Thích ứng với Chương trình GDPT mới

Cô Phạm Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Mặc dù là trường không thuộc diện dự án của Mô hình Trường học mới, tuy nhiên sau khi tìm hiểu những ưu việt mà Mô hình VNEN mang lại, Ban giám hiệu nhà trường với sự đồng lòng của cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh đã nhất trí áp dụng mô hình này tại nhà trường.

Thời gian đầu các giáo viên tham gia giảng dạy theo mô hình này có những trở ngại về việc phải thay đổi phương pháp dạy học. Song, trước những hiệu quả tích cực của việc áp dụng mô hình này, cả cô và trò rất hào hứng. Tại các lớp áp dụng Mô hình VNEN, không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng, thân thiện. Giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn, kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện.

Cụ thể, giáo viên đã linh hoạt hơn trong việc tổ chức hoạt động học cũng như hướng dẫn học sinh tự học cách tiếp cận tài liệu. Học sinh làm quen với cách tự học, tự tra cứu thông tin để đáp ứng yêu cầu của bài học, không phụ thuộc vào sách hướng dẫn như trước kia. Các em khá chủ động và sáng tạo trong việc tiếp thu kiến thức và tự học. Phụ huynh và cộng đồng thì quan tâm và theo sát hơn việc học tập của học sinh.

Cũng theo cô Phạm Thị Tuyết, phụ huynh rất phấn khởi khi thấy những thay đổi tích cực trong quá trình học tập của con mình, song họ cũng bày tỏ mong muốn mô hình này sẽ tiếp tục được áp dụng khi học sinh lên học ở bậc học THCS.

Hoàn thiện về tài liệu dạy học

Tại buổi thẩm định Tài liệu hướng dẫn học và Tài liệu hướng dẫn giáo viên theo Mô hình VNEN mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Mô hình Trường học mới được tổ chức theo hướng đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh và xây dựng một môi trường giáo dục dân chủ và thân thiện, đặc biệt là phát huy khả năng tự học của các em.

Giáo viên không đơn thuần là truyền đạt nội dung bài giảng mà đóng vai trò là người hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục cho các em học sinh. Việc triển khai chương trình dạy học mới đã khuyến khích các cơ sở giáo dục đổi mới các hình thức giáo dục. Tuy nhiên để triển khai được phải kèm theo các điều kiện: Trước hết là đội ngũ giáo viên phải được tập huấn kỹ; mỗi giáo viên phải đổi mới, năng động sáng tạo, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; đồng thời tăng khả năng tự học của học sinh.

“Muốn vậy chúng ta phải đổi mới phương pháp dạy học. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của việc triển khai Mô hình Trường học mới là tài liệu dạy học để giáo viên, học sinh và phụ huynh đều sử dụng được một cách thuận lợi” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cô Hoàng Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường Tiểu học Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) cho biết, so với sách giáo khoa truyền thống thì tài liệu hướng dẫn học theo Mô hình Trường học mới có nhiều điểm ưu việt, đó là: Học sinh phải chủ động trong việc lĩnh hội bài học trên cơ sở tài liệu hướng dẫn. Đặc biệt sự tương tác đôi và tương tác nhóm giúp cho các em trao đổi các vấn đề xung quanh bài học, để có thể khắc sâu những kiến thức giúp các em nhớ nhanh và nhớ lâu hơn.

Cô Hoàng Thị Ngọc Hà chia sẻ: Điểm khác biệt của Tài liệu hướng dẫn học so với sách giáo khoa hiện hành là: Đối với cấp tiểu học, tài liệu được thiết kế thành 3 hoạt động là: Hoạt động Cơ bản, Hoạt động Thực hành, Hoạt động Ứng dụng. Không chỉ cung cấp kiến thức, mà tài liệu còn chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp học tập, tư duy, phát triển tính chủ động, sáng tạo, tự tin; nâng cao các năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, hợp tác, thực hành, vận dụng kiến thức thông qua thiết kế quy trình học và nội dung học lồng ghép, hòa quyện vào nhau. Với việc dạy học theo mô hình này, giáo viên đòi hỏi cần có sự nhiệt tình đầu tư về phương pháp sư phạm cũng như kiến thức chuyên môn. Trong quá trình đứng lớp GV cần có sự bao quát để trợ giúp học sinh mỗi khi các em có khúc mắc...

Năm học 2016 - 2017, số trường tham gia nhân rộng Mô hình VNEN là 4.441 trường tiểu học và 1.180 trường THCS. Số HS tiểu học tham gia VNEN xấp xỉ 15%; số HS THCS tham gia xấp xỉ 10%.

Năm học 2017 - 2018, số trường đăng ký triển khai VNEN ở tiểu học tăng lên 4.800 trường tại 58 tỉnh, thành với tỷ lệ 18% HS tham gia; cấp THCS có 1.500 trường trên 51 tỉnh, thành tham gia VNEN trong năm học mới, tỷ lệ HS là 13%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.