Hiện nay, cả nước có khoảng 11 nghìn trạm y tế xã, nhưng hoạt động không hiệu quả: Người dân chưa tin Trạm y tế (TYT) xã nên vượt tuyến khám chữa bệnh không cần thiết; chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; việc khám, phát hiện sớm tình trạng bệnh tật còn yếu, chủ yếu là có bệnh mới chữa. Phần lớn các TYT chưa quản lý bệnh mãn tính; Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít (thực hiện được 50 - 70% dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến).
Để TYT xã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ, Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế tài chính và tăng cường nhân lực… “Đặc biệt về nguồn nhân lực, phải bố trí đầy đủ và có cơ cấu thích hợp. Trường hợp thừa, thiếu phải điều chuyển, thực hiện chế độ luân phiên, luân chuyển từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại. Đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, đồng thời triển khai thực hiện Đề án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại tuyến y tế cơ sở”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các địa phương Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tĩnh, TPHCM... đã chia sẻ cơ chế triển khai thực hiện, kinh nghiệm huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở; Kinh nghiệm triển khai xây dựng đề án cũng như cách thức quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến y tế cơ sở; việc lập hồ sơ khám sức khỏe cho người dân…
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mãn tính với các bệnh như tiểu đường, huyết áp, hen phế quản… Sở Y tế cần sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại TYT xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở…