Cảm cúm, viêm họng cũng vào…nội trú
Theo BHXH Việt Nam, năm 2017, số chi khám chữa bệnh BHYT vượt 8.847 tỷ đồng so với số thu. Năm 2018, con số này được dự kiến chênh lệch khoảng 3.500 tỷ đồng. Nói về nguyên nhân của bội chi quỹ BHYT, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, một phần là do giá một số dịch vụ y tế tăng bất hợp lý. Ngoài ra, do thông tuyến khám chữa bệnh và chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chỉ định điều trị nội trú chưa hợp lý.
Theo ông Sơn, một nguyên nhân quan trọng khác gây bội chi là việc các cơ sở y tế chỉ định vào nằm viện và kéo dài ngày nằm viện. Bởi qua thực tế kiểm tra, không ít cơ sở y tế chỉ định các bệnh nhân viêm họng, cảm cúm thông thường… vào nằm nội trú; kéo dài ngày điều trị, nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu trong tình trạng bệnh không cần thiết phải nằm; chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng không đúng theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị, quy trình chuyên môn, kỹ thuật theo Thông tư 35, Quyết định 4086 của Bộ Y tế…
Nói tình trạng bội chi lên tới 600 tỷ đồng của Hà Nội, Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện một số dịch vụ kỹ thuật có quy trình thực hiện giống nhau, nhưng giá lại khác nhau. Trong đó, các bệnh viện thường lựa chọn dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn để thanh toán. Đáng chú ý, cơ cấu tính giá của BHYT cho một ngày giường bệnh có phòng vệ sinh riêng, điều hòa bật 24/24… Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, bệnh viện không bật điều hòa, cơ sở vật chất và nhân lực không đáp ứng. Đặc biệt, bệnh nhân Đông y và liên chuyên khoa chỉ nằm viện ban ngày, các khoa khác vắng nhiều… nhưng vẫn chi trả điều trị nằm nội trú…
Cần chế tài xử lý nghiêm
Theo ông Sơn, để quản lý quỹ BHYT quan trọng nhất là phải thanh toán đúng đối tượng, mục đích sử dụng, giữ cân bằng quỹ mà vẫn bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, hiện các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị chưa đầy đủ, rõ ràng, nên thiếu công cụ kiểm soát, đánh giá hợp lý của chỉ định điều trị, khó cho sự đồng thuận của cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh.
Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, sử dụng thẻ BHYT đi khám nhiều nơi trong ngày, nhiều ngày trong tháng xảy ra khá phổ biến, nhưng chưa có chế tài xử lý. Các cơ sở y tế chưa tuân thủ việc ứng dụng công nghệ thông tin để chia sẻ kết quả xét nghiệm, kiểm soát thông tin tuyên truyền, tình trạng chỉ định trùng lắp xét nghiệm, thuốc diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố... Đồng thời, quy định về khám chữa bệnh BHYT được xác định theo số thẻ đăng ký ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh và cân đối với cả phần chi khám chữa tại cơ sở y tế khác nay không còn phù hợp khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT.
Để việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng các quy định hiện hành, ông Sơn cho rằng, các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc việc gửi dữ liệu lên hệ thống. Đồng thời, công khai các khoản thu thêm, mức giá của các dịch vụ tự chọn để người dân lựa chọn. Ngoài ra, cơ quan BHXH cần có ý kiến bằng văn bản đối với các cơ sở khám chữa bệnh thu không đúng quy định, thu các khoản đã được kết cấu trong giá dịch vụ y tế, các chi phí đã được quỹ BHYT chi trả...