Khám chữa bệnh điện tử: Tiện ích song vẫn phải chờ

GD&TĐ - Hướng tới việc nâng cao điều kiện, chất lượng cuộc sống cho người dân, ngành Y tế Hà Nội đã có những nỗ lực đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, để những tiện ích này đi vào cuộc sống vẫn còn những e ngại và rào cản.

Quản lý bằng hồ sơ điện tử sẽ thuận tiện trong khâu khám chữa bệnh
Quản lý bằng hồ sơ điện tử sẽ thuận tiện trong khâu khám chữa bệnh

Những điểm tích cực

Trong Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh… nhằm mang tới những tiện ích cho người dân. Một trong những vấn đề thiết thực nhất trong việc xây dựng Đề án này là người dân sẽ được quản lý bằng hồ sơ điện tử.

Theo đó, hệ thống sẽ cập nhật đầy đủ thông tin cơ bản về tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe của mỗi người dân. Mỗi cá nhân đều được cung cấp một mã định danh (ID), nhờ vậy họ có thể có thể quản lý được tình trạng sức khỏe của mình qua một thiết bị công nghệ thông minh.

Về lâu dài hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cũng sẽ được tích hợp với thẻ an sinh xã hội. Ở bất kỳ cơ sở y tế nào các bác sỹ đều biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, của bệnh nhân. Chi phí của người bệnh cũng đỡ tốn kém hơn khi không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Việc áp dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh là hết sức tích cực. Thế giới đã triển khai điều này từ lâu bao gồm từ khâu tiếp nhận, chẩn đoán tới điều trị theo dõi bệnh nhân... cả nội trú và ngoại trú.

Khi áp dụng công nghệ vào việc quản lý khám chữa bệnh, việc đặt lịch hẹn, tư vấn online, tìm kiếm bác sĩ, người dân đều có thể thực hiện một cách dễ dàng. Ngay cả những vấn đề tế nhị về sức khỏe, người dân đều có thể nhờ cậy thông qua tư vấn từ xa. Người bệnh sẽ chủ động về thời gian lấy kết quả xét nghiệm cũng như thanh toán tiền cho các dịch vụ khám chữa bệnh của mình…

Rào cản công nghệ thông tin

Bà Nguyễn Thị Lan 65 tuổi ở phường Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Tôi bị mắc chứng bệnh cao huyết áp và đau xương khớp mãn tính. Mỗi khi đi khám, tôi đều phải xếp hàng chờ đợi khá lâu. Nếu được quản lý sức khỏe theo hồ sơ điện tử chắc chắn sẽ thuận tiện hơn, thời gian khám bệnh cũng nhanh hơn. Vì vậy tôi rất mong chờ điều này.

Chị Phương Anh thường trú tại phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bày tỏ: Người đi làm xa, hay trẻ nhỏ đi học ở trường chẳng may gặp rủi ro về sức khỏe sẽ được điều trị kịp thời nhờ thông tin qua ID được cung cấp. Hy vọng thời gian gần nhất chúng tôi sẽ nhận được mã khám chữa bệnh riêng của mình. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo lắng đó là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Chia sẻ về điều này, bà Ngô Thị Hoàn, Trưởng trạm Y tế phường Mỗ Lao quận Hà Đông, (Hà Nội) cho biết: Hiện trạm chúng tôi đã nhập dữ liệu của người dân trên địa bàn (tên tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khỏe, các lần khám bệnh) để lập bệnh án điện tử thông qua những lần người dân tới khám chữa bệnh tại trạm, hoặc theo các chương trình khám miễn phí. Đặc biệt, bà con đều khá thoải mái khi chia sẻ thực trạng sức khỏe của mình với các bác sĩ của Trạm Y tế phường.

Theo tôi, việc quản lý hồ sơ theo bệnh án điện tử mang lại lợi ích cho người dân vì họ được theo dõi sức khỏe theo một quy trình đầy đủ, khoa học. Kết hợp với việc khám những triệu chứng mới chúng tôi có thể tư vấn, điều trị hiệu quả hơn cho người dân. Thậm chí, có những lúc người dân cần, có thể gọi điện thoại nhờ bác sĩ tư vấn riêng. Tuy nhiên về việc cấp mã vạch riêng cho từng người để họ đến khám tại các cơ sở y tế, chúng tôi cũng đã được nghe tuyên truyền, tập huấn nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Ông Vũ Cao Cương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Việc triển khai sổ khám chữa bệnh điện tử cho người dân đã được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội. Đến nay 100% xã phường đã nhập dữ liệu thông tin của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, phần mềm triển khai chung để kết nối với trạm y tế tại các xã phường và các bệnh viện, trung tâm y tế trên toàn thành phố vẫn chưa thực hiện được.Vì vậy, người dân chưa có mã ID để có thể truy cập, sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế trên toàn thành phố. Điều này không chỉ phụ thuộc ở Sở Y tế Hà Nội, mà còn phụ thuộc vào việc thiết kế, xây dựng phần mềm của bên công nghệ thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ