Mô hình nuôi lươn không bùn giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế

GD&TĐ - Với chi phí thấp, diện tích nuôi ít... mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, Kon Tum) giúp dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Mô hình nuôi lươn không bùn chi phí thấp, chiếm ít diện tích.
Mô hình nuôi lươn không bùn chi phí thấp, chiếm ít diện tích.

Hỗ trợ người dân kinh phí

Tháng 5/2023, gia đình chị Y Chát được Hội Nông dân xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, Kon Tum) hỗ trợ 3.000 con giống lươn để nuôi thử nghiệm tại 2 bể rộng khoảng 10m2.

Với chi phí khoảng 20 triệu đồng, Hội Nông dân hỗ trợ giống và thức ăn với kinh phí khoảng 12 triệu đồng. Còn gia đình chị Y Chát đầu tư 8 triệu để xây bể nuôi.

Chưa từng nuôi lươn ngày nào nên thời gian đầu chị Y Chát khá lo lắng vì không có kĩ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, được Hội Nông dân vận động và hỗ trợ kĩ thuật nên chị cũng mạnh dạn và tự tin đầu tư.

Để lươn sinh trưởng và phát triển tốt, chị Y Chát tham gia tập huấn kĩ về việc xây bể nuôi và chăm sóc, quản lý lươn. Trong quá trình nuôi, chị cũng tìm hiểu, nghiên cứu thêm trên các trang mạng xã hội để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.

“Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước nên bể nuôi phải luôn sạch sẽ. Bên cạnh đó cần có hệ thống cấp thoát nước nhằm thuận lợi cho việc thay nước hàng ngày.

Đặc biệt, trên bề mặt nước phải rải nhiều sợi nilon kết thành chùm để làm giá thể tạo chỗ trú ẩn cho lươn. Như vậy lươn mới sinh trưởng và phát triển một cách khỏe mạnh nhất”, chị Y Chát nói.

Ngoài ra, để lươn khỏe mạnh, phát triển nhanh, người nuôi cần cho ăn đúng thời gian, liều lượng. Sau khi cho ăn phải thay nước, không để thức ăn dư trên bề mặt nước, có như thế mới tránh được các bệnh trên lươn. Thức ăn cho lươn rất đa dạng, như: cá tạp, ốc, tép (không ươn thối) hoặc cho ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp.

Chỉ sau 10 tháng nuôi, lươn của gia đình chị Y Chát phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%, trọng lượng lươn đạt 200 -300gram/con.

Chị Y Chát phấn khởi chia sẻ: Dù chưa từng có kinh nghiệm nuôi lươn nhưng được Hội Nông dân nhiệt tình hướng dẫn nên chị tự tin hơn rất nhiều. Giờ đây chị đã học hỏi được một phần kiến thức và kinh nghiệm để chăm sóc lươn phát triển tốt nhất.

“Mô hình nuôi lươn không bùn thực hiện rất đơn giản, chăm sóc không tốn nhiều thời gian. Mỗi ngày tôi chỉ tốn thời gian khoảng 15 phút cho lươn ăn và thay nước.

Không những vậy, việc nuôi và chăm sóc tốn ít diện tích đất, rất phù hợp với những hộ gia đình có ít đất sản xuất. Từ cuộc sống có phần bấp bênh giờ đây kinh tế gia đình dần ổn định và phát triển. Tôi thấy rất vui và cảm ơn Hội Nông dân xã Hơ Moong đã tận tình hỗ trợ kĩ thuật, chi phí để đàn lươn của gia đình phát triển ổn định”, chị Y Chát bộc bạch.

Phát triển kinh tế tại địa phương

Sau 10 tháng chăm sóc, lươn của gia đình chị Y Chát phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Sau 10 tháng chăm sóc, lươn của gia đình chị Y Chát phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Mức giá trên thị trường hiện tại dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, thế nhưng, nguồn lươn cung ứng ra thị trường còn hạn chế, nhu cầu của bà con trong xã nhiều nên gia đình chị Y Chát bán tại địa phương giá từ 100.000 – 130.000 đồng/kg. Do đó, lươn của gia đình chị Y Chát luôn "cháy hàng", từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Chị Y Chát dự định sẽ tiếp tục tái đầu tư, xây thêm bể nuôi, mở rộng quy mô. Những hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn thì chị sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm. Từ đó, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, duy trì cuộc sống.

Anh A Đứu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hơ Moong cho hay, đây là mô hình điểm về nuôi lươn không bùn do Hội Nông dân xã hỗ trợ thực hiện. Mô hình này giúp hội viên người DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất.

Bên cạnh đó, mô hình điểm động viên hội viên, người dân trên địa bàn học hỏi, áp dụng khoa học kĩ thuật vào phát triển kinh tế gia đình.

Mặc dù mô hình nuôi lươn không bùn khá mới trên địa bàn, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con.

Mô hình có những ưu điểm, như: nuôi đơn giản, ít tốn diện tích, chi phí thấp, dễ tiêu thụ. Chính vì vậy, mô hình này rất phù hợp để nhân rộng giúp nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập.

“Hội Nông dân xã Hơ Moong tiếp tục động viên gia đình chị Y Chát duy trì và phát triển mô hình. Đồng thời tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đến tham quan mô hình điểm của chị Y Chát. Từ đó, học tập kinh nghiệm nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn xã, giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế”, anh A Đứu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ