Mô đun 2,3,4 quyết định sự thành công của CTGD phổ thông mới

GD&TĐ - Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại hội thảo tập huấn cho giảng viên sư phạm chủ chốt để hướng dẫn giáo viên phổ thông cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp Mô-đun 2, 3, 4 bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội nghị

Hội thảo do Ban quản lý chương trình ETEP (Bộ GD-ĐT) tổ chức từ 25/11 đến 27/11 tại TP.HCM với sự tham gia của đại diện của 19 Sở GD-ĐT của các tỉnh, thành phía Nam và các trường ĐH sư phạm tham gia chương trình ETEP.

Phát biểu chỉ đạo khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đây là hội thảo rất quan trọng để cùng thống nhất, xây dựng kịch bản sư phạm trong việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán cũng như giáo viên phổ thông đại trà và cán bộ quản lý.

Đặc biệt là việc triển khai kết nối giữa Sở, nhà trường và ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ở những mô đun tiếp theo sau khi mô đun 1 đã thành công.  

Theo Thứ trưởng, để thực hiện chương trình GDPT 2018 chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của người học, đòi hỏi phải đổi mới tất cả các yếu tố tạo nên chất lượng từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá… Và giáo viên đóng vai trò là người quyết định chất lượng giáo dục đào tạo.

Chính vì vậy, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên để giúp họ hiểu về chương trình GD phổ thông tổng thể, hiểu môn học, qua đó biết được cách sử dụng, cách tổ chức dạy học theo chương trình nhằm đạt hiệu quả là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, quản trị trường học cũng cần được tập trung chú trọng bởi trong Nghị quyết 29 nhấn mạnh, về việc xây dựng nền GD mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt và quản lý tốt.

Vì vậy, ngoài tập huấn cho giáo viên thực hiện để dạy học hiệu quả, các cán bộ quản lý cũng cần chú trọng đặc biệt tới Mô đun 2, 3, 4. Từ việc quản trị nhà trường tới mô đun tiếp theo là quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị cơ sở vật chất. Bởi nếu quản lý không làm tốt, không những đổi mới không thành công mà còn là lực cản lớn.

Về phương thức bồi dưỡng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến việc đổi mới phương thức bồi dưỡng từ trực tiếp sang bồi dưỡng đảm bảo đạt mục tiêu vừa bồi dưỡng thường xuyên, vừa liên tục, tại chỗ, vừa có sự có hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cốt cán, vừa ứng dụng CNTT qua hệ thống LMS, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Qua đó cũng giúp đội ngũ giáo viên chuyển hoá quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng.

Theo Thứ trưởng, để triển khai bồi dưỡng tập huấn thành công, vai trò nòng cốt của những giảng viên sư phạm chủ chốt, chuyên gia đầu ngành, có chuyên môn sâu, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm là rất quan trọng.

Qua hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, cần triển khai tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông Mô đun 2,3,4 tại toàn bộ các tỉnh thành bằng hệ thống LMS.

Các đại biểu dự hội thảo
Các đại biểu dự hội thảo

Lưu ý các Sở GD-ĐT phải chủ động tham mưu cho tỉnh, thành phố để hỗ trợ liên quan đến hệ thống trực tuyến, làm sao, tất cả các giáo viên dạy lớp 1, sắp tới lớp 2, 6 phải được bồi dưỡng, tập huấn qua hệ thống LMS.

Ngoài ra, các Sở sau khi có hệ thống LMS phải cấp tài khoản cho giáo viên đúng người, đúng việc.

Và quá trình thực hiện tham gia bồi dưỡng các mô đun phải theo yêu cầu của chương trình ETEP, có tính liên tục, liên thông hoàn thành mô đun 1 mới được bồi dưỡng mô đun 2, hoàn thành mô đun 2 mới được tham gia mô đun 3… Đồng thời, các Sở, các trường sư phạm cần phối hợp trong việc cấp chứng chỉ cho giáo viên đạt tiêu chuẩn của khoá bồi dưỡng theo quy định.

Để công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên hiệu quả, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở quan tâm tham mưu lãnh đạo địa phương để tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà được đầy đủ, kịp thời, chất lượng.

Các trường lựa chọn và bố trí giảng viên tốt tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán; gắn chặt chẽ với giáo viên cốt cán để hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên đại trà.

Các trường đại học sư phạm trong quá trình bồi dưỡng và tiếp nhận các ý kiến góp ý của giáo viên cần cập nhật, bổ sung tài liệu tập huấn để phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng. “Mô đun 2,3,4 là các mô đun quyết định sự thành công của chương trình mới”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Đại biểu chia sẻ thâm luận tại hội thảo
Đại biểu chia sẻ thâm luận tại hội thảo

Cũng trong hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về vai trò của các Sở GD-ĐT, các trường ĐH trong thực hiện mô hình bồi dưỡng, triển khai bồi dưỡng giáo viên; Bồi dưỡng cán bộ quản lý tại tỉnh Bình Phước; Báo cáo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về công tác hỗ trợ các các Sở GD-ĐT trong bồi dưỡng GV phổ thông ở các tỉnh phía Nam... Đồng thời một số tỉnh thành cũng có những ý kiến về vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện công tác bồi dưỡng.

Mô đun 2 “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”; Mô đun 3 “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”; Mô đun 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.