Sẵn sàng kịch bản ứng phó
Trường THCS Chí Minh (Tứ Kỳ) có gần 400 học sinh đã trở lại học trực tiếp sau thời gian nghỉ phòng dịch. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Điệp cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, việc linh hoạt, thích ứng với các phương thức dạy học là cần thiết. “Chúng tôi luôn sẵn sàng kịch bản ứng phó và chủ động trước mọi tình huống để sáng dạy học trực tiếp, chiều có thể chuyển đổi sang dạy trực tuyến (nếu cần)” – thầy Điệp chia sẻ, đồng thời cho hay: Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được thực hiện nghiêm ngặt, để thầy – trò yên tâm đến lớp và dạy – học trong điều kiện an toàn.
Tỉnh Bình Định đã và đang tổ chức dạy - học đảm bảo thích ứng với tình hình dịch Covid-19. Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn thông tin: Tỉnh đã xây dựng kịch bản dạy học và giải pháp theo các cấp độ. Phương thức tổ chức dạy - học theo cấp độ 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Phương thức tổ chức dạy học theo cấp độ 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
Hiện cả 48 trường THPT trên địa bàn tỉnh đều tổ chức dạy học trực tiếp, có 6 trường THPT trên địa bàn thị xã An Nhơn dạy học trực tuyến từ 11/11 (dự kiến chỉ dạy trực tuyến 1 tuần) và 1 trường trên địa bàn Hoài Ân dạy học trực tuyến từ 8/11 (dự kiến dạy trực tuyến 2 tuần). Tính đến 15/11, hầu hết trường đều thực hiện kịp tiến độ chương trình (tuần thứ 11). Các trường THPT trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, THPT Nguyễn Trân, THPT Tam Quan chậm từ 2 đến 3 tuần.
“Với lợi thế về cơ sở vật chất và đội ngũ, các trường THPT đã chuyển trạng thái nhanh chóng từ trực tiếp sang trực tuyến với quy mô lớp (nếu phát hiện có học sinh là F1) hoặc quy mô toàn trường (theo yêu cầu không đến trường để tầm soát y tế) nên việc tổ chức dạy học rất linh hoạt, không gặp nhiều khó khăn như cấp tiểu học và THCS” - ông Đào Đức Tuấn chia sẻ.
Đồng tình với quyết định mở cửa trường học, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần quan tâm đến chỗ học cho con em lao động. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Thực hiện Nghị quyết 128, các địa phương từng bước mở cửa, nới lỏng một số hoạt động, ở một số lĩnh vực, các doanh nghiệp cũng hoạt động trở lại. Khi doanh nghiệp mở cửa, người lao động trở lại làm việc, vấn đề đặt ra là phải từng bước mở cửa trở lại trường học, để con em được đến trường, người lao động cũng yên tâm làm việc, cuộc sống mới trở lại “bình thường mới”.
Đừng vì lo lắng quá mức mà hạn chế quyền học tập của trẻ
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị: Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần phối hợp để có giải pháp mở cửa trường học theo các cấp độ và có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn. Không thể mở cửa trường học 1, 2 ngày lại đóng cửa do có ca nhiễm mới như một số địa phương đã làm trong thời gian qua.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, có trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc cho trẻ trở lại trường. Bộ Y tế đề nghị, các địa phương không vì lo lắng quá mức đối với dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trực tiếp của trẻ em, đặc biệt là trẻ đầu cấp (lớp 1, bậc tiểu học).
Về vấn đề triển khai biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đã có hướng dẫn với các địa phương biện pháp phòng chống dịch trong trường học, đảm bảo vừa học tập hiệu quả vừa phòng chống dịch Covid-19. Quan điểm của Bộ Y tế là “không nên đợi chờ vắc-xin”. Bởi hiện nay, chúng ta chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ từ 5 - 11 tuổi không thể đợi chờ có vắc-xin mới cho đến trường.
“Rủi ro ở lứa tuổi này không cao như ở người lớn. Vì vậy, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo các địa phương mạnh dạn đưa học sinh đi học, đặc biệt là các xã, huyện, tỉnh thuộc cấp độ 1, cấp độ 2” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Các địa phương cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh để triển khai đồng bộ và có hiệu quả, vừa phòng chống dịch vừa phục hồi lao động sản xuất.
Những ngày qua, báo chí cũng phản ánh bất cập: Trong khi trường học bỏ trống, giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non các trường tư thục, không có việc làm thì phụ huynh, nhất là công nhân lao động, gặp khó khăn trong việc gửi con. Nhiều công nhân buộc phải lựa chọn, hoặc là xin nghỉ không lương để ở nhà chăm sóc, kèm cặp con học trực tuyến ở nhà, hoặc là để con tự học ở nhà một mình và mang theo sự lo lắng, tâm trạng không yên khi đến công ty làm việc. Họ mong con được đến trường từng ngày để yên tâm tham gia lao động sản xuất, cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.