Các địa phương cân nhắc quyết định mở cửa trường học: Thận trọng và linh hoạt

GD&TĐ - Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, địa phương vùng xanh (cấp độ 1), vùng vàng (cấp độ 2) có thể tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều địa phương dù nguy cơ thấp vẫn rất thận trọng mở cửa trường học.

Giáo viên tổ chức khử khuẩn và đo thân nhiệt cho học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP Đông Hà, Quảng Trị) khi các em đi học trực tiếp. Ảnh: VPBTB
Giáo viên tổ chức khử khuẩn và đo thân nhiệt cho học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP Đông Hà, Quảng Trị) khi các em đi học trực tiếp. Ảnh: VPBTB

Thận trọng quyết phương án

Cập nhật đến ngày 24/10, Tiền Giang có 134 xã vùng xanh, 32 xã vùng vàng; chỉ có 2 xã vùng cam và 3 xã vùng đỏ. Tuy nhiên, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Phương Toàn, tỉnh vẫn chưa có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, vì mấy ngày gần đây trên địa bàn có xuất hiện ổ dịch mới.

Đồng Nai là địa phương được đánh giá là vùng vàng (cấp độ 2, cập nhật ngày 21/10). Trong đó, toàn tỉnh có 2 huyện, 125 xã vùng xanh; 9 huyện, 42 xã vùng vàng và 3 xã vùng cam; không có vùng đỏ. Theo ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sở đã xây dựng phương án cho học sinh đến trường học trực tiếp trình UBND tỉnh; dự kiến UBND tỉnh họp và chốt phương án trong ngày 28/10.

Được đánh giá là vùng vàng (nguy cơ thấp), Cần Thơ đã có kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học. Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Cần Thơ, cho biết: Sở GD&ĐT có Tờ trình gửi UBND thành phố về phương án cho học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trở lại trường học, thời gian từ 1/11/2021. Tờ trình cũng đề nghị UBND thành phố giao UBND quận, huyện chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT căn cứ vào phân loại đánh giá, xác định mức độ dịch của từng xã, phường, thị trấn để quyết định việc tổ chức hình thức dạy học phù hợp.

An toàn cho học sinh là yêu cầu tiên quyết khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Ảnh minh họa
An toàn cho học sinh là yêu cầu tiên quyết khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Sở GD&ĐT Cần Thơ đã dự thảo hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 khi học sinh đến trường. Theo đó, các cơ sở giáo dục khẩn trương liên hệ chính quyền địa phương thu hồi cơ sở đang được sử dụng làm khu cách ly y tế tập trung, tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn theo quy định. Thực hiện vệ sinh ngoại cảnh (phát quang bụi rậm, không để nước đọng); vệ sinh, tẩy trùng trường lớp theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế.

Các nhà trường cũng cần kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế, Tổ an toàn Covid-19 của trường; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và có hình thức phù hợp để nhắc nhở cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh rửa tay thường xuyên.

Đồng thời, tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý. Tiếp tục theo dõi, tiếp nhận thông tin chính thức từ  cơ quan chuyên môn để đánh giá đúng tình hình dịch bệnh, bảo đảm thông tin chính xác và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục.

Học sinh tiểu học tỉnh Bắc Ninh được tổ chức học trực tiếp sau thời gian học trực tuyến phòng dịch. Ảnh: Đăng Chung
Học sinh tiểu học tỉnh Bắc Ninh được tổ chức học trực tiếp sau thời gian học trực tuyến phòng dịch. Ảnh: Đăng Chung

Tổ chức hoạt động giáo dục theo cấp độ dịch

Sở GD&ĐT An Giang đã dự thảo kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục năm học 2021 - 2022 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, dự thảo đưa ra các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục theo cấp độ dịch. Cụ thể, cấp độ 1 (nguy cơ thấp - vùng xanh), tổ chức dạy học trực tiếp. Điều kiện là giáo viên giảng dạy phải được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; trường hợp chưa tiêm đủ phải được xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh xét nghiệm Covid-19 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có liên quan yếu tố dịch tễ. Cơ sở giáo dục thực hiện biện pháp đảm bảo các tiêu chí trường học an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả theo quy định; củng cố điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - vùng vàng): Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức phù hợp khác. Cấp độ 3 (nguy cơ cao - vùng cam): Tổ chức dạy học trực tuyến là chủ yếu, học qua truyền hình hoặc hình thức phù hợp khác. Cấp độ 4 (nguy cơ rất cao - vùng đỏ): Tổ chức dạy học hoàn toàn trực tuyến, học qua truyền hình hoặc hình thức phù hợp khác.

Ông Trần Tuấn Khanh cũng thông tin, ngành GD-ĐT phối hợp ngành Y tế ưu tiên tiêm đủ liều vắc-xin cho tất cả giáo viên; đồng thời tổng hợp danh sách học sinh từ 12 - 17 tuổi để phối hợp Sở Y tế tiêm ngừa Covid-19 khi có chủ trương cảu tỉnh.

Tại Cần Thơ, theo ông Nguyễn Hữu Nhân, sở GD&ĐT dự thảo việc tổ chức hoạt động giáo dục theo cấp độ dịch. Cụ thể, cấp độ 1: Tổ chức dạy học trực tiếp tại trường.

Cấp độ 2: Cấp THCS, THPT và giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học trực tiếp một số buổi tại trường kết hợp dạy học trực tuyến; tiểu học học 1 buổi trực tiếp tại trường kết hợp với học qua truyền hình và hình thức khác phù hợp với điều kiện của nhà trường, học sinh.

Cấp độ 3: THCS, THPT, giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp dạy học trực tuyến (ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp với lớp 9, 12); tiểu học không học trực tiếp, chỉ học qua truyền hình và các hình thức khác phù hợp với điều kiện của nhà trường, học sinh.

Cấp độ 4: Nhà trường phối hợp với phụ huynh hướng dẫn học sinh, học viên giáo dục thường xuyên sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những em còn thiếu thiết bị học trực tuyến, học qua truyền hình.

“Dự thảo kế hoạch nêu rõ các cơ sở giáo dục cần chủ động liên hệ y tế địa phương thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường học khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở và những người trở về từ địa phương khác. Xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn dịch bệnh tại địa phương” - ông Nguyễn Hữu Nhân cho hay.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.