Mở cửa trong lời nói!?

GD&TĐ - 8 tháng đầu năm nay có trên 85 nghìn doanh nghiệp, tức hơn 10% số doanh nghiệp cả nước, rời khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại hội nghị đối thoại trực tuyến với Thủ tướng sáng 26/9, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ nhất trí cao với chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19”.

Sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn này là kết quả của những bài học, kinh nghiệm có được sau gần 2 năm chống dịch, những hiểu biết (cho đến lúc này) về Covid-19, của việc thực hiện chiến lược vắc-xin và cả từ sự kiệt quệ của doanh nghiệp.

8 tháng đầu năm nay có trên 85 nghìn doanh nghiệp, tức hơn 10% số doanh nghiệp cả nước, rời khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất mát về sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh và giãn cách xã hội cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, cả nước cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế. Dù Covid-19 có diễn ra thế nào cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn.

“Lời hồi đáp” của người đứng đầu Chính phủ cũng rất rõ ràng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chống dịch và phát triển kinh tế phải song song. Nếu chỉ tập trung chống dịch chúng ta sẽ hết nguồn lực, còn chỉ lo kinh tế sẽ không bảo vệ được sức khỏe nhân dân.

Tư duy đã rõ, sự chuyển hướng chiến lược cũng đã rõ, vấn đề còn lại là triển khai trong thực tế ra sao – thể hiện ở hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19” do Bộ Y tế soạn thảo. Dự thảo đã công bố nhưng dường như chưa đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp.

Bằng chứng là, chỉ vài tiếng sau khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo, 8 hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị gửi Chính phủ cho rằng dự thảo còn đeo đuổi tư duy “Zero Covid”, chưa phù hợp với mức độ phủ vắc-xin và năng lực y tế của các địa phương trong cả nước.

Ví dụ, việc thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vắc-xin, dẫn đến có thể lãng phí không cần thiết.

Hoặc, nếu chiếu theo quy định hơn 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin thì TP Hồ Chí Minh phải ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) còn rất lâu. Như vậy, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc-xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm.

Khi quyết định sống chung với Covid thì việc đếm số ca F0 không còn quá quan trọng nữa, vậy nhưng 2 trong số 4 tiêu chí mà Bộ Y tế coi là điều kiện tiên quyết để mở cửa đã có 2 tiêu chí liên quan đến việc đếm số lượng F0.

Đó là chưa kể, dự thảo chỉ có một hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu đi tính linh hoạt…

Cứu doanh nghiệp là việc cấp thiết trong thời điểm hiện nay, quan trọng không thua kém chống dịch. Do đó, Bộ Y tế đừng để sự do dự, sợ hãi chi phối tâm trí và hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19” phải thể hiện đúng tinh thần, chủ trương “sống chung với Covid” của Chính phủ. Nếu không, “mở cửa” chỉ là trong lời nói và “phục hồi kinh tế” là chuyện rất xa vời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ