Mở cửa thị trường, rồi sao?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mở cửa các thị trường khó tính như Nhật Bản, New Zealand giúp củng cố uy tín xuất khẩu của Việt Nam.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Năm nay được đánh giá là thành công nhất từ trước tới nay về mở cửa thị trường nông sản khi các cơ quan chức năng “chính ngạch hóa xuất khẩu” gần chục mặt hàng. Cụ thể, chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang được phép xuất chính ngạch sang Trung Quốc; nhãn được vào thị trường Nhật Bản; bưởi, chanh chuẩn bị “lên đường” sang New Zealand…

Mở cửa các thị trường khó tính như Nhật Bản, New Zealand giúp củng cố uy tín xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Đưa nông sản Việt sang Trung Quốc qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản và xóa ùn tắc cửa khẩu phía Bắc như lâu nay.

Với người nông dân, xuất khẩu chính ngạch sẽ tạo động lực để họ sản xuất chuyên nghiệp, bài bản với quy mô lớn hơn. Khi xuất khẩu chính ngạch, nông dân buộc phải nâng cao trình độ, kiến thức để bảo đảm kiểm soát các sinh vật gây hại mà không ảnh hưởng tới môi trường.

Đồng thời, phải áp dụng quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm, giá cả sẽ tăng lên, giúp cải thiện thu nhập cho nông dân và cải thiện sức cạnh tranh của nông sản. Điển hình như sầu riêng, sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá ở thị trường nội địa đã tăng gấp 3 lần so với trước.

Tuy vậy, điều đáng quan tâm là doanh nghiệp và nông dân có tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường hay không khi mà yêu cầu các nước nhập khẩu đưa ra rất toàn diện và chi tiết.

Chẳng hạn, khoai lang, chuối muốn vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch thì phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải điều tra giám sát các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước này quan tâm; phải thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu mức độ nhiễm sinh vật gây hại.

Hoặc nhãn tươi xuất sang Nhật Bản phải được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh (dưới 1,3 độ C) trong 13 ngày tại các cơ sở xử lý được phê duyệt. Các lô hàng xuất khẩu tất nhiên phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và bảo đảm không có đối tượng kiểm dịch thực vật.

Với chanh, bưởi xuất khẩu sang New Zealand, vườn trồng phải được quản lý dịch hại các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước này quan tâm và được cấp mã số cùng cơ sở đóng gói. Sản phẩm phải được chiếu xạ kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Tất cả những lô hàng xuất khẩu chính ngạch nếu không đáp ứng yêu cầu khi bị kiểm tra ngẫu nhiên sẽ dừng bước ngay tại cửa khẩu. Những mã số vùng trồng không đáp ứng yêu cầu sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.

Trong khi yêu cầu của phía bạn ngày càng cao, mức độ kiểm soát ngày càng chặt chẽ như vậy thì việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở nước ta không thể trong một sớm một chiều. Đây thực sự là điều đáng lo ngại! Trên thực tế, hiện có 11 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm sầu riêng, chanh leo, thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu chính ngạch còn rất khiêm tốn. Ví dụ, có 94% lượng xoài xuất khẩu của Việt Nam được bán sang Trung Quốc nhưng chưa đến 1% trong số đó đi theo đường chính ngạch.

Chính bởi vậy, mở cửa thị trường mới chỉ là bước khởi đầu! Khối lượng công việc của hai ngành nông nghiệp và công thương sau đó là rất khổng lồ nếu muốn tận dụng được cơ hội “chính ngạch hóa xuất khẩu nông sản”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.