“Mở cửa” phải an toàn

GD&TĐ - Từ hôm nay (15/9), Việt Nam mở lại 4 đường bay đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Một tuần sau đó (ngày 22/9), các chuyến bay tới Lào và Campuchia sẽ được khôi phục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những điểm đến này hiện đều kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời là đối tác kinh tế quan trọng của nước ta. Dù vậy, trước mắt, hãng bay được chỉ định sẽ chỉ khai thác một chuyến mỗi tuần và dành cho những đối tượng nhất định gồm: Nhà ngoại giao, công dân Việt Nam có nhu cầu về nước hoặc đi lao động tại các nước và người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, các chuyến bay, lịch bay cụ thể do đích thân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định, lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, cảng hàng không tiếp nhận.

Những động thái này cho thấy, Chính phủ rất thận trọng với việc mở lại đường bay quốc tế, ngay cả khi đây là giải pháp quan trọng giúp kinh tế đất nước đạt được mục tiêu tăng trưởng dương trong năm nay. Đóng cửa biên giới giúp ngăn ngừa dịch bệnh nhưng cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế, nhất là với ngành hàng không, du lịch.

Cùng với đó, nhiều dự án lớn đang “án binh bất động” vì thiếu chuyên gia nước ngoài, lao động tay nghề cao... Vì vậy, mở cửa bầu trời, nối lại đường bay quốc tế là rất cần thiết nhưng đồng thời phải giữ được an toàn cho người dân.

Sự thận trọng sẽ tạo ra dư địa để Chính phủ theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, từ đó đưa ra quyết định đúng nhằm giảm thiểu rủi ro y tế. Tình hình có thể thay đổi rất nhanh, như từng thấy tại Trung Quốc và Đức, khi các ca lây nhiễm Covid-19 xuất hiện trở lại chỉ trong vài ngày.

Vấn đề tiếp theo nằm ở khâu thực hiện. Các sân bay, các địa phương phải đón khách, tổ chức xét nghiệm, cách ly và giám sát y tế theo đúng quy trình và chặt chẽ. Có như vậy mới bảo đảm được an toàn dịch bệnh cho từng chuyến bay và tránh được lây nhiễm chéo, lây nhiễm trong cộng đồng. 

Cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đều đã lên phương án cụ thể giải tỏa, quản lý các trường hợp nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp. Theo đó, trước khi lên máy bay về Việt Nam, hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính của nước sở tại trước đó khoảng 3 ngày. Sau khi nhập cảnh, hành khách tiếp tục được xét nghiệm và cách ly phòng dịch.

Để tránh ùn ứ ở sân bay, khách nhập cảnh sẽ được đưa về khu cách ly 14 ngày và xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp RT–PCR. Khách có nhu cầu cách ly ở khách sạn sẽ được đáp ứng và cũng làm xét nghiệm RT-PCR 2 lần. Khi có kết quả âm tính, khách sẽ được chuyển về theo dõi tại gia đình.

Khách ở quận, huyện, thị xã nào, thì cơ quan chức năng của địa phương đó sẽ trực tiếp giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng. Trường hợp khách nhập cảnh dưới 14 ngày không phải cách ly tập trung, nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. 

Có thể coi việc nối lại 6 đường bay quốc tế, mỗi tuần một chuyến, là bước tập dượt; từ đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình phòng dịch trong tình hình mới và có thêm thời gian cải thiện năng lực xét nghiệm sao cho vừa nhanh, vừa chuẩn xác.

Nếu làm tốt trong lần “thí điểm” này, chúng ta có thể nghĩ tới việc tăng tần suất chuyến bay, mở lại các đường bay mới và khởi động lại hoạt động du lịch, qua đó sớm vực dậy nền kinh tế đang tổn thương trầm trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.