Thêm phương thức xét tuyển dành cho DHS
Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM sử dụng phương thức 5 trong các phương thức tuyển sinh để hỗ trợ du học sinh (DHS). Theo TS Hà Việt Uyên Synh - Trưởng Phòng Đào tạo IU, phương thức tuyển sinh 5 dành để xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài.
“Việc tiếp nhận này phải phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường, bảo đảm người học được tiếp nhận đáp ứng yêu cầu đầu vào; không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến. Các trường căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo và số tín chỉ, nội dung, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần theo các quy định hiện hành…”, TS Hà Việt Uyên Synh chia sẻ.
Theo đó, IU sẽ xem xét, tiếp nhận các DHS Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp tục học tập vào chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cũng là cơ sở GDĐH đầu tiên đồng ý tiếp nhận DHS tiếp tục học tập. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng HCMUTE), nhà trường đang vận hành 14 chương trình liên kết đào tạo quốc tế từ kỹ thuật, kinh tế, logistics và tài chính ngoại thương, quản lý nhà hàng khách sạn với các đối tác Anh, Mỹ, Singapore và Hàn Quốc. Trong đó có các chương trình liên kết đào tạo quốc tế với Trường ĐH Kettering (Mỹ) theo hình thức liên kết 2 + 2 (2 năm học tại HCMUTE và 2 năm học tại Trường ĐH Kettering, Mỹ); liên kết đào tạo với các trường ĐH Sunderland, ĐH Northampton (Anh) theo hình thức liên kết 3+1 hoặc 4+0). Bên cạnh đó tại HCMUTE còn có các chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao (CLC) tương thích với những CTĐT quốc tế.
Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH), TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH cho biết: Nhà trường có chủ trương tiếp nhận tất cả DHS theo học những ngành nhà trường đang đào tạo. Số lượng và phương thức đào tạo tùy vào số DHS đăng ký.
“Nếu đủ số lượng trường có thể mở các lớp riêng. Số lượng ít có thể bố trí học cùng các lớp CLC. Mức tối đa có thể tiếp nhận là 5% số lượng SV chính quy. Học phí tương đương chương trình CLC của nhà trường. Đối với chương trình CLC, sinh viên được học tập trong môi trường tốt, sĩ số khoảng 30 SV/ lớp, được tăng cường các môn kỹ năng, hoạt động ngoại khóa, sử dụng nguồn tài nguyên tốt nhất của IUH…” - TS Nguyễn Trung Nhân thông tin.
Thủ tục tiếp nhận ra sao?
Liên quan đến tiêu chí tiếp nhận DHS, việc tương thích giữa các CTĐT luôn được các trường quan tâm. Theo TS Hà Việt Uyên Synh, IU là ĐH công lập đa ngành duy nhất hiện nay tại Việt Nam sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong đào tạo nên sẽ là môi trường thuận lợi cho sinh viên từ các nước trở về tiếp tục việc học tại quê hương.
“Đặc biệt, theo quy định của Bộ GD&ĐT, tiêu chí tiếp nhận sinh viên từ nước ngoài về không thấp hơn điều kiện trúng tuyển CTĐT tương ứng của trường. Nhà trường sẽ xem xét theo uy tín của trường SV đã học, tùy từng trường hợp cụ thể: Trường đó có kiểm định quốc tế chưa, thứ hạng ra sao... Nếu trường của DHS đang học ở các nước có thứ hạng thuộc tốp của ĐH Quốc gia TPHCM trở lên sẽ phù hợp và được chọn”, TS Hà Việt Uyên Synh chia sẻ.
Còn theo TS Nguyễn Trung Nhân (IUH), khi tiếp nhận DHS, khó khăn có thể phát sinh từ sự khác biệt về CTĐT. Tuy nhiên, với IUH khi xây dựng đã cập nhật chương trình của các nước tiên tiến nên cũng giải quyết bớt khó khăn này. Nhà trường sẽ xem xét chuyển điểm các học phần DHS đã đạt. Đồng thời, có chương trình liên kết 2+2 với ĐH Angelo State (Hoa Kỳ), nên tính tương đồng về CTĐT của IUH với trường ĐH của Hoa Kỳ khá tốt.
“DHS có thể liên hệ trực tiếp phòng đào tạo để được hỗ trợ làm thủ tục học chuyển tiếp. Trong đó, thủ tục gồm: Đơn xin học chuyển tiếp, giấy báo nhập học, kết quả học tập của DHS và các giấy tờ liên quan đến thông tin DHS như CMND, giấy khai sinh, thông tin liên hệ…”, TS Nguyễn Trung Nhân thông tin.
Liên quan đến việc tương thích các ngành học của DHS, TS Hà Việt Uyên Synh chia sẻ: “Nhà trường sẽ xem xét chuyển đúng ngành của sinh viên đang theo học, căn cứ số tín chỉ và học phần đã học để công nhận những môn tương đương. Tất nhiên, để được tốt nghiệp sinh viên phải học đầy đủ CTĐT theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT ở mỗi ngành học và chuẩn đầu ra của trường quy định. Sinh viên có nguyện vọng cần nộp đơn xin chuyển trường nếu chuyển cùng ngành. Nếu muốn chuyển ngành khác có thể sử dụng bằng tú tài nước ngoài và phải trải qua phỏng vấn theo phương thức tuyển sinh của thí sinh có bằng THPT quốc tế. Nếu được chọn, sinh viên sẽ nhập học tháng 10/2020”.