“Đàn cá linh đua nhau vượt sóng
Bông điên điển nở vàng bối rối
Ta kịp hò hẹn mùa nước nổi không anh?”
Hà Nội đẹp nhất, thi vị vào mùa Thu; còn miền Tây mùa Thu cũng là mùa thi vị nhất, hấp dẫn du khách nhất: Mùa nước nổi; mùa mà triều cường lên nhanh, mùa bông điên điển nở vàng trên dọc con kênh, mùa cá linh từng đàn đua nhau bơi lội.
Người miền Tây thường có cách nói đùa tếu táo khi gọi các chàng rể lơ láo của mình là “Rể điên điển”. Vì rễ của cây điên điển rất nông bám trên mặt nước, có thể dùng tay nhổ được dễ dàng.
Người dân miền Tây phát âm không phân biệt dấu hỏi và ngã nên “rể” và “rễ” nghe hơi giống nhau. Vì thế chàng rể nào cưới con gái của họ về mà không chăm sóc chu đáo, cứ lơ láo là được “ưu ái” gọi cho cái tên: Rể điên điển... Quả là một bất ngờ nho nhỏ mà những người khách từ miền Bắc lần đầu đặt chân tới không khỏi bật cười thú vị.
Cũng vào mùa nước nổi, người ta thường nhắc đến hai đặc sản miền Tây: Bông điên điển và cá linh tạo nên món lẩu ngon khó cưỡng. Cá linh còn được gọi là cá linh ngư. Vào mùa tháng 9 âm lịch hàng năm, cá linh từ biển Hồ (Campuchia) trôi xuống sông Tiền, sông Hậu theo con nước đục ngầu phù sa. Người dân miền Tây gọi đây là “món quà” của lũ.
Như “cậu với mợ”, có cá linh là phải có bông điên điển đi kèm, cùng với những loại rau xanh khác mà gần như chỉ miền Tây mới có |
Mùa nước nổi là mùa mưu sinh của người dân miền Tây sông nước. Con nước đổ về, người dân thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long lại bắt tay vào khai thác đánh bắt cá linh. Đặc sản này quả thực là “món quà” của lũ tặng cho người dân nơi đây, khi giúp bao gia đình thoát nghèo, thậm chí dựng nên cơ nghiệp.
Du khách được thưởng thức một món ăn đặc sắc khó tìm thấy ở nơi nào khác. Các trang thông tin lữ hành cũng khuyên du khách về miền Tây mùa nước nổi đừng quên thưởng thức lẩu cá linh với bông điên điển, một trong những đặc sản đặc sắc nhất của vùng sông nước này. Mà hầu hết đặc sản miền Tây mùa này đều liên quan đến cá linh…
Lẩu cá linh bông điên điển, mắm cá linh, cá linh chiên giòn, cá linh kho tiêu, kho tộ... Ăn một lần thì nhớ, ăn lần hai thì nghiền, ăn lần ba thì hứa kỳ sau phải quay lại đúng mùa nước nổi để đón cá linh, mà lần nào thưởng thức cũng mang lại cảm giác như là lần đầu tiên... Những con cá béo ngậy, ngọt bùi được nuôi dưỡng trong lòng Cửu Long giang, sinh sôi tự nhiên trong quá trình di chuyển từ biển Hồ, chúng cứ thế vừa đi vừa lớn vừa sinh sản.
Đầu mùa con nước cá linh kéo nhau đi “xanh” mặt sông, khi ấy nó chỉ bé bằng đầu đũa nên người dân gọi là linh non hay linh sữa, đây là lúc cá linh ngon nhất, ngọt, mềm và béo ngậy, chỉ cần vớt mang về chế biến, thậm chí là ăn gỏi theo lối “ăn tươi nuốt sống”.
Người dân nơi đây nói rằng nước càng lớn thì cá linh càng nhiều, ăn không hết họ mang bán, tạo ra nhiều món ẩm thực từ cá linh. Đầu mùa cá bé thì kho tiêu, kho tộ hay kho nước dừa, đưa cơm phải biết. Cái ngậy béo của cá linh sữa hoà quện cùng mùi thơm của tiêu xanh, ngọt lịm của dừa xiêm... ăn đến no căng bụng còn thòm thèm.
Khoảng tháng 9, tháng 10 (theo lịch ta) nước lên cao, cá đã trưởng thành, cũng là thời điểm món lẩu cá linh bông điên điển chấm nước mắm me lên ngôi. Đây cũng là giai đoạn nhiệt độ xuống thấp nhất ở vùng đất này, với những cơn gió se se lạnh khi chiều buông, với những cơn mưa bất chợt đổ xuống rồi bất chợt ngưng.
Còn gì bằng những chiều ngồi trên ghe tam bản lênh đênh khám phá sông nước cùng nhóm bạn thân tình, rồi quay về bến khi mặt trời đã gác bóng, cái bụng cũng đã… kiến bò; trong cái se se gió lạnh, cả nhóm, đôi khi chỉ cần hai người thôi, chụm đầu bên nhau, trước nồi lẩu cá linh nghi ngút khói và thơm lừng.
Cá linh là đặc sản được đánh giá cao nhất của miền Tây mùa nước nổi
Những “đầu bếp dân gian” miền Tây bật mý, để có một nồi lẩu ngon thì không thể thiếu được nước dừa, nước me, nước mắm cốt, đường nêm nếm cho vừa, sau đó tỏi, hành phi thơm cùng top mỡ, rau ngò gai nấu cho sôi.
Cá linh rất mau chín nên khi ăn mới chút nhẹ vào, vừa ăn vừa nhúng bông điên điển và có thể thêm một số rau khác như rau đắng, bông so đũa, lục bình... Cá béo ngậy tan ngay đầu lưỡi cùng với vị ngọt của nước dừa, thơm của tóp mỡ và vị ngọt thanh, hơi đắng chát của các loại rau... tạo nên một hương vị mà ai một lần được thưởng thức đều nhớ mãi.
Có điều, cá linh dẫu có to đến đâu thì cũng chỉ bằng ngón cái, nên chế biến khá vất vả, nhưng dưới bàn tay khéo kéo của người đàn bà sông nước thì dù cá bé cỡ nào cũng được làm sạch, bỏ ruột và to quá sẽ đánh vảy để không cứng. Từ đó, cá sẽ được dọn lên để phục vụ các ông chồng trên bàn nhậu hay cho các con thơ sau buổi tan trường.
Vào buổi chiều đi dọc các con kênh, mùi thơm từ các căn bếp nhỏ của người dân được bay theo hướng gió, trong đó có mùi của cá linh mùa nước nổi; để dân miền Tây có câu hò da diết:
“Nước không chưn (chân) sao kêu nước đứng
Con cò không nhát sao gọi cò ma
Con cá không thờ sao gọi cá linh...”
Xung quanh con cá linh có rất nhiều giai thoại, nhưng thôi miễn bàn ở đây. Chỉ biết nó có tên là cá linh - đặc sản của vùng sông nước để gây thương nhớ cho du khách ghé chân, cho người dân xa xứ nhớ quê mùa nước nổi.
Nhấp một ly rượu dừa đặc sản Bến Tre, nhâm nhi món lẩu cá linh bông điên điển nóng hổi giữa lúc hoàng hôn buông mình trên sóng nước, ngâm nga câu thơ hợp cảnh hợp tình:
“Mình hẹn nhau mùa nước nổi không anh?
Về miền Tây nghe giọng hò rất ngọt
Ngắm điên điển em cài trên mái tóc
Đàn cá linh ngơ ngác giật mình...”