Viết để giải tỏa nỗi đau

GD&TĐ - Chó Trắng – tác phẩm của nhà văn Pháp Romain Gary ra đời trong bối cảnh tại Mỹ đang diễn ra những cuộc bạo động phản đối nạn phân biệt chủng tộc. 

Viết để giải tỏa nỗi đau

Tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về quãng thời gian chú chó Batka xuất hiện trong cuộc đời Romain Gary, để rồi sau đó ông đau đớn nhận ra: chú chó thông minh, hiền dịu, “rất tôn trọng bọn mèo, và là một con vật lương thiện có giáo dục” của mình lại là một trong những chú chó được huấn luyện đặc biệt để tấn công người da đen.

Chó trắng mở đầu với hình ảnh một chú chó xám, giống béc giê Đức, tạo cảm giác mạnh mẽ và thông minh, khoảng bảy năm tuổi đi theo Sandy - chú chó dòng Đan Mạch - của Romain Gary về nhà. Và như thế, chú chó Batka vô tình bước vào cuộc đời của nhà văn, mau chóng chiếm được tình yêu của ông.

Gắn bó với chú chó là vậy, Romain Gary đau đớn khi phát hiện ra rằng Batka là một con Chó Trắng - một trong những chú chó được huấn luyện đặc biệt để tấn công người da đen. Không muốn giải quyết đời chú bằng một mũi tiêm thuốc độc, Romain Gary quyết tâm “chữa” cho Chó Trắng. Nhưng rồi Batka sẽ ra sao khi rơi vào tay một người huấn luyện da đen?

Với Chó Trắng, Romain Gary gửi đến người đọc câu chuyện về người da đen Mỹ, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Một cách không khoan nhượng, với sự sáng suốt và tinh tế, tác giả của Lời hứa lúc bình minh đã xử lý một chủ đề đạo đức với sự thấu cảm văn chương tuyệt vời. Với Romain Gary, viết không giúp tìm ra câu trả lời, nhưng viết giúp giải tỏa nỗi đau trước sự ngu ngốc của con người.

Romain Gary tên thật là Roman Kacew, sinh năm 1914 tại Lituanie và mất năm 1980 tại Paris vì tự tử. Sau khi bố mẹ chia tay vào năm 1925, Romain Gary sống cùng mẹ, chịu rất nhiều ảnh hưởng đặc biệt từ bà, nhất là tư chất nghệ sĩ cùng cá tính mạnh mẽ.

Romain Gary chính thức nhập quốc tịch Pháp năm 1935, thi đỗ bằng cử nhân Luật năm 1938 rồi ngay sau đó tham gia nghĩa vụ quân sự và gia nhập không quân Pháp. Sau nhiều năm chiến đấu anh dũng suốt Thế chiến II dưới thời de Gaulle, Romain Gary được nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và Huân chương Giải phóng. Romain Gary đã hai lần giành giải Goncourt với các tiểu thuyết Rễ trời (1956) và Cuộc sống ở trước mặt (1975). Ông được xếp vào hàng các tác gia kinh điển trong làng văn thế giới.

Trích đoạn tác phẩm: “Một buổi chiều, tôi đang ngồi viết, bỗng ở phía bể bơi có tiếng gầm dài rồi tiếp sau là những tiếng sủa giật từng hồi, nhanh và giận dữ mà bọn chó sủa để báo hiệu có kẻ lạ lẻn vào và chúng sắp tấn công ngay lập tức trong vài giây tới. […] Tôi chạy ra sân. Bên kia hàng rào sắt là anh chàng làm công người da đen đến kiểm tra bộ phận lọc nước bể bơi, còn Batka thì lao ra phía cổng chính, bọt sùi đầy mõm, trong cơn thù hận tột đỉnh kinh hoàng đến nỗi con Sandy trung hậu của tôi vừa bò vừa rên hư hử lẩn vào một bụi cây và biến thành tấm thảm chân giường.

Anh da đen đứng sững, tê liệt vì sợ. Chẳng phải chuyện đùa. Con béc giê hiền từ của tôi, luôn nhã nhặn với khách khứa của chúng tôi, đã biến thành cơn thịnh nộ súc sinh, tìm lại được trong đáy họng nó những tiếng hú của loài ác thú đang đói trông thấy thịt mà không với tới được.

Có một điều gì đó thật hết sức đáng nản lòng và gây bối rối trong cái cách thay đổi đột ngột của một con vật hiền lành anh tưởng đã hiểu rõ thành con thú tàn bạo và chừng như hoàn toàn khác. Đây là sự biến đổi thật sự về bản chất, gần như là về tầm vóc, một trong những khoảnh khắc nặng nề khi những sắp xếp nhỏ nhặt vốn đã làm anh yên lòng và những phạm trù quen thuộc vỡ vụn tan tành.

Kinh nghiệm khiến người ta phải nản lòng dành cho những kẻ chuộng các niềm tin chắc chắn. Bỗng nhiên tôi đối mặt với hình ảnh một thú tính khởi nguyên, nấp kín trong lòng tự nhiên, mà người ta thích quên đi sự có mặt ngầm của nó giữa hai lần bộc lộ chết người. Cái mà ngày trước người ta gọi là chủ nghĩa nhân ái luôn bị mắc kẹt trong cái song đồ đó, giữa tình thương lũ chó và sự kinh tởm tính chất chó má.

Tôi cố kéo con Batka lại và bắt nó vào nhà, nhưng quả là nó có ý thức nghĩa vụ, cái con khốn kiếp ấy. Nó không cắn tôi, nhưng hai bàn tay tôi đầy những nước bọt, và nó giật ra khỏi tôi, lao về phía cổng, nhe nanh ra.

Anh da đen đứng bên kia cổng, dụng cụ cầm ở tay. Đó là một chàng trai trẻ. Tôi nhớ rất rõ nét mặt anh ta, bởi đây là lần đầu tiên tôi thấy một người da đen đứng trước sự căm thù thú tính. Anh ta có cái vẻ buồn thường thấy trên một số khuôn mặt người khi họ sợ. […]

Tôi bảo anh thanh niên đi đi, bỏ chuyện súc bể bơi tuần này.

Ngày hôm sau lại tái diễn cảnh tượng ấy với người làm công của công ty Liên hiệp Miền Tây mang đến cho tôi một bức điện tín.

Buổi chiều, mấy người bạn đến thăm chúng tôi và, mặc dầu tôi lo lắng, Batka đã đón tiếp họ hết sức thân tình. Họ là người da trắng.

Bấy giờ tôi mới nhớ ra là người làm công của Liên hiệp Miền Tây cũng là người da đen.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.