Nước bồ kết thiu có thể làm rụng tóc
Dầu gội hóa chất có thể gây hại cho môi trường. Do vậy, dầu tự chế được một số chị em ưa chuộng do vừa mượt tóc lại có mùi thơm nhẹ nhàng truyền thống của bồ kết, sả, tinh dầu bưởi, chanh, cỏ mần trầu…
Để đáp ứng nhu cầu này, sản phẩm dầu gội tự chế xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Chủng loại, mẫu mã cũng khá đa dạng. Đa số loại “tự chế” này được mua bán theo cách “nghe nói, truyền tai”. Cũng xuất hiện một số loại dầu gội tự chế đã xây dựng được thương hiệu, bao bì, mẫu mã khá bắt mắt.
Liệu dầu gội tự chế (loại dầu được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu thiên nhiên, không sử dụng hóa chất) có thực sự tốt? PGS.TS Phạm Văn Nho - Phòng Thí nghiệm Vật lý, ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) chuyên nghiên cứu về các loại mỹ phẩm thân thiện với môi trường – khẳng định, dầu gội này chắc chắn tốt hơn loại được làm từ chất hóa học bán trên thị trường.
Tuy nhiên, dầu tự chế cũng có những mặt trái. Do được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, không có chất bảo quản nên dầu gội tự chế rất dễ bị thiu, đặc biệt là bồ kết. Các cụ ngày xưa cũng đã đúc rút kinh nghiệm không để bồ kết đã nấu qua đêm. Vì các thành phần có trong bồ kết sẽ bị biến chất, gây ra chứng rụng tóc.
Thế nhưng, đa phần dầu tự chế không được dùng ngay sau khi nấu. Bởi sau khi sản xuất, còn phải đóng gói rồi mới vận chuyển đến tay người dùng. Đa số chị em phụ nữ lại có thói quen tích trữ “đồ tốt”. Đây là thói quen xấu đối với dòng sản phẩm “hoàn toàn thiên nhiên”.
Do vậy, người dùng dầu gội tự chế nếu ngửi thấy mùi thiu, nước hơi nhớt nhớt thì không nên dùng nữa. Trường hợp để mấy ngày trong điều kiện bình thường mà không hỏng thì cũng nên bỏ đi, bởi khả năng nó có sử dụng chất bảo quản.
Các nguyên liệu như bồ kết, cỏ mần trầu, vỏ chanh, bưởi, sả… đều rất lành tính và tốt. Nếu được bảo quản tốt, thời gian sử dụng phù hợp thì loại nước gội đầu này sẽ rất hữu ích cho chị em trong việc chăm sóc, bảo vệ tóc.
Trường hợp nấu xong chưa dùng hết thì nên bảo quản trong tủ lạnh sẽ kéo dài được thời gian sử dụng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng tủ lạnh, thời gian bảo quản chỉ nên là vài ngày.
Có một cách để sử dụng những nguyên liệu truyền thống, tự nhiên một cách an toàn, tiện lợi. Đó là xay nhỏ các thành phần rồi đóng gói. Mỗi lần sử dụng, chỉ cần nhúng các gói này vào nước đun sôi là có ngay nước gội đầu hiệu quả, an toàn.
Hiện nay, sản phẩm khô đóng gói trên thị trường cũng có khá nhiều, chị em có thể lựa chọn. Có thể nó không tiện lợi như dùng dung dịch đã nấu sẵn, nhưng giữ được những thành phần cơ bản của nguyên liệu mà không gây ra những tác hại không mong muốn cho mái tóc.
Những hiểu nhầm tai hại
Chị Đỗ Anh Thư, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa"s Garden cho rằng, trong sử dụng mỹ phẩm, việc hiểu về thành phần, tác dụng của chúng có vai trò quan trọng.
Có những loại mỹ phẩm rất tốt, ngoài làm đẹp còn có thể trị liệu như chữa mụn, chữa nám, tàn nhang, căng da mặt, chống chảy xệ… Nhưng việc sử dụng để đạt hiệu quả không đơn giản. Kéo dài hiệu quả ấy khi ngưng sử dụng sản phẩm lại càng khó khăn. Không ít trường hợp đã bị lệ thuộc vào mỹ phẩm.
Trong chăm sóc da, có những thứ cần cố định và có những thứ có thể thay đổi theo thời vụ, vụ mùa. Chẳng hạn như các loại nước chưng cất từ hoa theo kiểu “mùa nào thức đó”. Hoặc là mặt nạ tự chế, nhà có gì ta dùng cái đó.
Thông thường tâm lý của mọi người là “đắt mới tốt”, hoặc là “các hãng phải cho cái gì vào thì nó mới có giá đấy!”. Thực tế theo chị Đỗ Anh Thư, mặt nạ công nghiệp mà bao bì ghi “dưa chuột”, thì chiết xuất dưa chuột cũng khoảng dưới 5% mà thôi.
Cho nên, muốn hưởng dưa chuột, chị em hãy xắt dưa chuột và đắp lên mặt. Hãy làm vào buổi tối, liên tục, cách ngày hay tuần đều được. Dưa chuột giúp làm trắng, giảm tàn nhang, hạn chế mụn, cân bằng da... Nó có đủ các thành phần cần thiết cho da và chắc chắn là 100% thiên nhiên, hơn hẳn mặt nạ công nghiệp.
Nếu đã từng đắp mặt nạ thiên nhiên thì hãy tin tưởng và thay đổi nhiều công thức khác nhau. Mỗi loại nguyên liệu lại cung cấp cho da một vài dưỡng chất cần thiết nào đấy. Mật ong, trứng gà, sữa chua, khoai tây, sữa tươi, lô hội, dưa chuột… gần như luôn có sẵn trong căn bếp. Tốt hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn, bảo vệ môi trường, an toàn hơn, đẹp hơn… thì tại sao lại phải chọn những loại mặt nạ có giá vài chục đến vài trăm ngàn mà chắc chắn thành phần tự nhiên không phải là 100% như bạn tự chế.
Một hiểu lầm rất phổ biến khi chọn mỹ phẩm của chị em là không hiểu da mình thuộc loại gì. Có người da khô, người da dầu, người da hỗn hợp. Theo chị Đỗ Anh Thư, dầu ở da người được tiết từ tuyến bã nhờn. Mỗi nang lông trên mặt lại có vài tuyến bã nhờn đính vào.
Ở vùng chữ T, thường có 2 - 4 tuyến bã nhờn “đính” vào mỗi nang lông, còn vùng chữ U chỉ có 1 - 2 thôi. Đó là lý do lúc nào vùng chữ T cũng đổ dầu nhiều hơn vùng chữ U.
Vậy, trước hết, chị em bỏ đi khái niệm “da hỗn hợp” để lựa chọn các loại mỹ phẩm. Thay vì gọi là “hỗn hợp thiên dầu” hay “hỗn hợp thiên khô”, đúng ra chúng ta nên gọi là da là thiên dầu hay là thiên khô. Và thiên dầu hay thiên khô đúng ra phải coi là “hiện tượng”, chứ không phải là “loại”.
Loại da “dầu” hay “khô” chủ yếu là biểu hiện, là triệu chứng. Phải xem tại sao nó "dầu" hay nó “khô”. Có người da tiết nhiều dầu do bị kích ứng, người thì do bị nhiều mụn ẩn (khiến da thải nhiều dầu hơn với nguyện vọng thải được cái mụn ra), người nhiều dầu đơn giản do thời tiết...
Như vậy, với mỗi nguyên nhân, ta có một cách xử lý khác nhau. Chưa cần đến mỹ phẩm để cân bằng lại da, dù là vấn đề da gì, thì cũng đều có thể xử lý bằng việc làm dịu và cân bằng da.