Hiện thân cho các vị thần
Mèo được tôn sùng vì khả năng đối phó với những con vật gây nguy hiểm cho con người và bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa và bất hạnh. Người Ai Cập cổ đại tin rằng loài mèo có sức mạnh siêu nhiên và những truyền thuyết liên quan đã ra đời.
Ra, thần Mặt trời trong thần thoại Ai Cập cổ đại và là vị thần mạnh nhất trong đền thờ Ai Cập, có thể biến thành mèo (Great Tomcat). Mỗi đêm, thần Mặt trời bước vào thế giới ngầm dưới hình dạng mèo, chiến đấu với Tử xà Apophis, giết chết hắn bằng một đòn duy nhất.
Mặt trời sẽ mọc như thường lệ vào sáng hôm sau, báo hiệu sự khải hoàn của vị thần. Cuộc đối đầu giữa thần Ra và Tử xà Apophis được mô tả trong các bức tranh tường chôn cất của người Ai Cập cổ đại và các bức tranh bằng giấy cói về Cuốn sách của cái chết.
Mèo cũng là hiện thân cho nữ thần Bastet, vị thần bảo hộ gia đình, mang lại sức khỏe và xua đuổi tà ma. Thần thường xuất hiện dưới hình dạng người đầu mèo và đôi khi trực tiếp là một con mèo.
Người Ai Cập cổ đại đặt tượng nữ thần Bastet trong nhà để ngăn chặn kẻ trộm, cầu nguyện cho sức khỏe cả gia đình và đeo bùa hộ mệnh hình mèo để có được sự bảo hộ của nữ thần. Phụ nữ mong muốn có con cũng sẽ đeo những chiếc bùa Bastet đặc biệt có hình những chú mèo con với số lượng tương ứng với số con mà họ mong muốn có.
Có lẽ, nhờ nữ thần Bastet mà mèo được chủ cưng chiều hơn. Trong những gia đình giàu có, mèo còn được đeo đồ trang sức bằng vàng và ăn cùng chủ. Vào thời nữ thần Bastet được kính trọng nhất, địa vị loài mèo cũng được nâng lên và hình phạt cho việc giết một con mèo (dù là tai nạn), hung thủ sẽ bị xử tử!
Các ngôi đền và lăng mộ của Ai Cập cổ đại cho thấy các thông tin về thời đại đó, chủ yếu là về những người giàu có, nắm quyền lực. Nghệ nhân của ngôi làng thủ công được phát hiện ở Deir el-Medina đã xây dựng và trang trí lăng mộ hoàng đế trong thời kỳ Tân Vương quốc (khoảng 1550 - 1080 trước Công nguyên).
Có nhiều bức graffiti được vẽ trên đồ gốm hoặc mảnh đá vôi ở đây. Điều thú vị là những người thợ thủ công này vẽ rất nhiều mèo. Trong đó, bức tranh gốm nổi tiếng nhất là “Mèo mướp chăn ngỗng”.
Tranh gốm 'Mèo mướp chăn ngỗng'. Ảnh: Zhangying |
Trong tranh, chú mèo mướp đứng bằng hai chân sau, giống như “người chăn cừu”. Trước mặt mèo là sáu con ngỗng xếp thành hai hàng. Bên trên con ngỗng là ổ đầy trứng. Mèo mướp cầm cây gậy dài có móc ở một đầu, trên đó treo túi thức ăn.
Trong bức tranh này, các loài động vật đang thực hiện hoạt động của con người và những kẻ săn mồi đang lừa con mồi vào bẫy. Đó có thể là cốt truyện trong truyện dân gian hoặc truyện ngụ ngôn của Ai Cập.
Xác ướp… mèo
Xác ướp mèo. Ảnh: Zhangying |
Một minh chứng khác cho sự phổ biến của loài mèo ở Ai Cập cổ đại: Hàng triệu xác ướp mèo đã được tìm thấy ở Ai Cập. Vào thời điểm đó, ướp xác mèo là hành động “thần thánh hóa” loài mèo, tôn trọng vật nuôi. Có lẽ, những chủ mèo Ai Cập cổ đại hy vọng chúng sẽ theo họ sang thế giới bên kia.
Thủ tục ướp xác mèo cũng giống như ướp xác người, thậm chí còn có quan tài bằng đá vôi tinh xảo dành cho mèo hoặc quan tài hình con mèo bằng gỗ chạm trổ hoặc bằng đồng. Những người chăm sóc mèo cũng được hưởng lợi từ việc làm này.
Vào triều đại Ptolemaios, những người đàn ông trưởng thành chịu trách nhiệm chăm sóc mèo được miễn lao động bắt buộc. Tuy nhiên, thật không may, nhiều xác ướp mèo đã bị hư hại vào thế kỷ 19, chủ yếu là do bị nghiền nát và sử dụng làm phân bón.
Thành phố Bubastis ở Ai Cập là thành phố linh thiêng của nữ thần mèo Bastet, và nghĩa trang mèo gần đền thờ Bastet là một trong những nghĩa trang mèo lớn xuất hiện sớm nhất trên thế giới, có niên đại từ khoảng năm 900 trước Công nguyên.
Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhà văn Hy Lạp cổ đại Herodotus đã đến Ai Cập cổ đại và đề cập đến nó. Ông viết: “Khi một con mèo chết, người trong nhà cạo lông mày để tang”. Ông cho biết những con mèo chết được đưa đến thành phố Bubastis, nơi chúng được ướp xác và chôn cất.
Tượng nữ thần Bastet bằng đồng tại Bảo tàng Anh. Ảnh: Zhangying |
Trong các tác phẩm nghệ thuật thời Ai Cập cổ đại, mèo thường được khắc họa dưới ghế của bà chủ. Trong bức tranh tường lăng mộ “Ipuy, vợ của Ipuy và những con mèo của họ” của nhà điêu khắc hoàng gia Ipuy vào khoảng năm 1250 trước Công nguyên, Ipuy và vợ ngồi nhận bó hoa từ các con, một con mèo đang ngồi dưới ghế của vợ ông và một con mèo con khác ngồi trong lòng Ipuy. Con mèo nhỏ giơ chân trước lên nghịch ngợm vỗ vào tay áo của Ipuy. Ở Ai Cập cổ đại “mèo dưới ghế người phụ nữ” có ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho khả năng sinh sản mạnh mẽ. Mèo trong các bức tranh tường tượng trưng cho việc sau khi chết, sức sống của chủ nhân ngôi mộ là vô tận. Còn dưới ghế của người đàn ông là gì? Là một con chó con, tượng trưng cho khả năng giao phối.