Mẹo làm bài thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Cô giáo Hoàng Thị Anh – Giáo viên Trường THPT Đồng Bành (Lạng Sơn) - chia sẻ phương pháp ôn tập, luyện đề tổng hợp thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân.

Trường THPT Đồng Bành (Lạng Sơn) trao đổi kiến thức môn Giáo dục công dân
Trường THPT Đồng Bành (Lạng Sơn) trao đổi kiến thức môn Giáo dục công dân

Bước 1: Xác định mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ trong một tiết luyện đề.

Bước 2: Xác định phương pháp ôn tập, phương tiện, thiết bị dạy học.

Bước 3: Nội dung hoạt động: Luyện đề và chữa đề.

Bước 4: Hướng dẫn học sinh tự học, sưu tầm tài liệu, giao nhiệm vụ sau mỗi bài học và tiết ôn tập tiếp theo.

Hướng dẫn học sinh làm bài trắc nghiệm.

Thứ 1: Không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa

Để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm, các em không cần thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa (SGK), mà quan trọng là phải hiểu được khái niệm, biết phân tích, lý giải, tổng hợp, nhận xét, đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội.

Thứ 2: Nắm vững kiễn thức nền tảng trong SGK

Trước hết phải nắm vững kiến thức nền của SGK, chú trọng vào những nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống, những vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân. Phần câu hỏi dễ, học sinh có thể dựa vào kiến thức đã học để làm bài.

Thứ 3: Dùng phương pháp loại trừ

Khi chưa xác định được một đáp án đúng thì phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu để tìm ra câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án cũng thường không khác nhau nhiều lắm về mặt nội dung. Tuy nhiên vẫn có cơ sở để bạn dùng phương án loại trừ bằng “mẹo”. Thay vì đi tìm đáp án đúng, bạn hãy thử tìm phương án sai, đó cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án hay càng tốt.

Khi không còn đủ cơ sở để loại trừ nữa thì hãy dùng cách phỏng đoán, nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời, đó là cách cuối cùng dành cho bạn.

Ví dụ: Học sinh A đi xe máy dưới 50cm3 đội mũ bảo hiểm đúng quy định. Trong trường hợp này học sinh A đã:

A. Sử dụng pháp luật.

B. Thi hành pháp luật.

C. Tuân thủ pháp luật.

D. Áp dụng pháp luật.

Loại trừ 2 phương án sai nhất là A, D, sẽ có học sinh nhầm lẫn giữa đáp án B, C. Học sinh nhớ lại, tuân thủ pháp luật là không làm những điều cấm, vậy trường hợp này học sinh A đi xe máy dưới 50 cm khối là đúng nên không phải xâm phạm vào điều pháp luật cấm, đó là quy định của pháp luật phải thực hiện. Vậy thì A đang thi hành pháp luật (đáp án B): làm những gì mà pháp luật quy định phải làm.

Thứ 4: Rèn luyện kĩ năng nắm chắc từ khóa trong câu hỏi

Ví dụ: Tòa án xét xử các vụ án sản xuất hàng giả không phụ thuộc vào người bị xét xử là ai, giữ chức vụ gì. Điều này thể hiện quyền bình đẳng nào của công dân?

A. Bình đẳng về quyền tự chủ trong kinh doanh.

B. Bình đẳng vè nghĩa vụ trong kinh doanh.

C. Bình đẳng về trách nhiệm pháp lý.

D. Bình đẳng về quyền lao động.

Như vậy, nắm chắc từ khóa, giúp chúng ta định hướng được rằng câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ chìa khóa ấy. Đó được xem là cách để bạn giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án.

Thứ 5: Phân bổ thời gian và nhớ không được bỏ trống đáp án.

Việc đầu tiên là đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, xem những câu nào mình biết rồi thì nên khoanh ngay vào đáp án phiếu trả lời. Sau khi làm hết những câu hỏi “trúng tủ” của mình thì chọn những câu hỏi đơn giản làm trước, vì bài thi trắc nghiệm các câu hỏi đều có thang điểm như nhau chứ không giống như bài thi tự luận.

Chính vì vậy câu hỏi khó hay dễ cũng đều có chung phổ điểm, nên hãy làm câu dễ trước, để đảm bảo đạt tối đa số điểm. Chú ý phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào, nếu không biết chính xác đáp án thì hãy dùng phỏng đoán hay kể cả may mắn cũng được, điều bạn cần là không được để trống đáp án, đó cũng là một cơ hội dành cho bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ