Mềm hóa giáo dục pháp luật trong trường học

Mềm hóa giáo dục pháp luật trong trường học

(GD&TĐ) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đề nghị các trường học, đơn vị trực thuộc triển khai Ngày Pháp luật trong tuần lễ từ 4 - 11/11. Trong đó ngày Pháp luật được ấn định vào 9/11.  

Những điểm nhấn trong công tác giáo dục pháp luật tại các địa phương như Hà Nội là rất cần thiết nhưng vấn đề là làm sao từ điểm nhấn này lan tỏa nội dung giáo dục được coi là khô khan tới từng lớp học – có thể coi đây là sự mềm hóa công tác giáo dục pháp luật trong trường học.

Còn nặng hình thức

Giáo dục pháp luật là một nội dung có tính khái quát lớn và thực sự khó để chuyển tải ngay tới người lớn chứ không nói gì trẻ em.

Đơn cử như chuyện cuối năm, trong phiếu Đánh giá công chức hàng năm, có mục tự nhận xét “Ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước”, nhiều người cũng lúng túng và câu tự nhận xét quen thuộc nhất là “Luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước”.  Nói thế để thấy là ngay với người lớn thì khái niệm giáo dục và chấp hành pháp luật vẫn rất mơ hồ.

Nói về việc thực hiện cũng như thành tích giáo dục pháp luật trong trường học tại các địa phương, có thể nhận thấy mẫu số chung là các hoạt động nặng về bề nổi có thể “định lượng” được. Như: Tổ chức các cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho học sinh; cấp phát tờ rơi, tài liệu nội dung GD pháp luật; tổ chức các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa lồng ghép nội dung GD pháp luật…

Hay các hoạt động thực hiện trong Ngày Pháp luật 9/11 mà Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cũng có nội dung khá khô khan so với lứa tuổi trẻ thơ: Tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lí nhà nước và đời sống xã hội; Giáo dục người học ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật…  

Rõ ràng giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh giúp các em hiểu và hình thành những đức tính cần có của con người, có kiến thức cơ bản về pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên cách thức truyền đạt GD pháp luật sao cho trẻ hiểu và ứng dụng được vào cuộc sống, học tập thường ngày mới thực sự là điều quan trọng. Cũng từ những chuyển biến nhận thức dần dần này trẻ mới có thể “vỡ” ra những nội dung GD pháp luật phức tạp hơn.

Mềm hóa GD pháp luật

Đặc tính của trẻ em là muốn vui chơi và người chuyển tải GD cần mượn hoạt động vui chơi để GD trẻ em một cách tự nhiên nhất. Nhiều nhà giáo cho rằng nội dung bài giảng bộ môn giáo dục pháp luật ở nhà trường quá khô khan, biên soạn cứng nhắc trên cơ sở bám sát văn bản pháp quy, không truyền cảm hứng cho cả người dạy lẫn người học. 

Trong khi nội dung giảng dạy GD pháp luật bị “bó cứng” như vậy thì ngay đội ngũ giáo viên dạy phân môn này cũng chưa “chuẩn”. Tại nhiều trường, thầy cô giáo chưa qua đào tạo môn GD công dân nhưng vẫn được phân công dạy nên việc chuyển tải nội dung không khéo léo và hiệu quả.

Thậm chí ngay với những giáo viên học chuyên ngành Giáo dục Công dân ở trường sư phạm cũng có nhiều hạn chế bởi trong quá trình học tập, một số trường sư phạm còn chậm đổi mới dẫn đến giáo viên ra trường nhưng vẫn non kiến thức, thiếu đam mê, sáng tạo, thiếu năng lực sư phạm.

Lại cũng có nhiều lãnh đạo nhà trường không đánh giá đúng tầm quan trọng của GD công dân nên “bỏ lơ” không lưu tâm khiến cho môn học này “được chăng hay chớ”…

Chia sẻ ý kiến làm sao mềm hóa GD pháp luật, chị Tuyết Minh, hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Mai, Hà Nội, cho biết hướng hoạt động GD pháp luật từ những hành động gần gũi nhất trong môi trường học đường, đơn cử như chống bạo lực học đường – thông qua những hoạt động mang tính giải trí.

Trường tổ chức thi vẽ tranh về đề tài chống bạo lực học đường rồi những bức có chất lượng được triển lãm ngay tại sân trường. Học sinh rất hào hứng tham gia vẽ và thảo luận về những nội dung trong các bức tranh; từ đó đề cập rộng hơn tới những việc làm nào phù hợp pháp luật – việc nào không. 

Xem ra hoạt động GD pháp luật đơn giản như trên không tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc, nhưng hiệu quả mang lại lớn hơn nhiều những hoạt động rầm rộ nhưng hình thức.

Hà Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.