Mẹ Việt ở Nhật chia sẻ cách trồng đủ loại rau mầm nhanh gọn, dễ làm
Thủy Linh
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Những ai thích ăn rau mầm, có thể dễ dàng mua ở siêu thị. Nhưng sao bạn không thử tự trồng tại nhà? Việc này cực đơn giản ngay cả khi bạn không phải là một người khéo tay.
Mới đây, trên nhóm Yêu bếp, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (đang sinh sống ở Nhật Bản) đã chia sẻ khu vườn nhỏ xanh mát trong nhà thu hút được sự chú ý của nhiều chị em nội trợ.
Chị Quỳnh Hoa cho biết, việc trồng rau mầm không tốn nhiều công sức, không cần khéo tay, sử dụng những đồ sẵn có trong nhà, các bạn có thể trồng rau mầm tại nhà bất cứ thời điểm nào trong ngày.
"Mình thường cùng con trồng rau mầm tại nhà để bổ sung chất xơ cho bữa sáng nhanh gọn với salad và bánh mì kẹp. Trồng rau mầm không khó, lũ trẻ nhà mình đã làm quen với việc trồng và chăm sóc rau mầm từ nhỏ, đến giờ thì công việc yêu thích của chúng là chăm sóc khu vườn nhỏ trong nhà này cho mẹ" - bà mẹ đảm chia sẻ.
Khu vực cửa sổ là nơi chị Hoa lựa chọn để đặt các chậu rau mầm. Bởi không gian nơi đây đủ sáng để cây có thể phát triển nhanh và cũng là điểm nhấn trang trí cho ngôi nhà.
"Có một khu vườn nho nhỏ xanh mướt trong nhà, không cần những bình hoa đắt tiền, mình luôn cảm thấy vui vẻ khi ngắm chúng mỗi ngày" - mẹ đảm 8X bật mí.
Chị Hoa trồng đa dạng các loại rau mầm như củ cải, bông cải xanh, cải xoong, cải ngọt, rau muống, diếp xoăn, rau chân vịt, các loại đậu Hà Lan... Chị chọn cách trồng rau mầm trong khay nhựa có lỗ thoát khí rất tốt hỗ trợ cho hạt nhanh nảy mầm, cây lớn nhanh.
Theo chị, đây là rau có nhiều chất dinh dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều, không nên ăn rau mầm thay thế hoàn toàn rau trưởng thành mà chỉ nên ăn khoảng 100g rau mầm/ngày.
Dưới đây là cách trồng rau mầm nhanh gọn, đơn giản, dễ làm của chị Quỳnh Hoa, mời các bạn cùng tham khảo:
Dụng cụ cần có
- Khay, rổ đựng, hộp sữa giấy...
- Khăn vải, miếng cotton hoặc giấy bếp sạch (có thể sử dụng ngay miếng cotton tẩy trang).
- Hạt giống các loại rau xanh như củ cải, bông cải xanh, cải xoong, cải ngọt, rau muống, diếp xoăn, rau chân vịt, các loại đậu Hà Lan, đậu xanh, hạt hướng dương…
Cách làm
- Với các loại hạt to như hạt hướng dương, rau muống… có thể ngâm hạt trong nước ấm khoảng 40 độ cho đến khi nảy mầm.
- Với các loại hạt giống rau mầm không cần ngâm.
- Rải giấy bếp hoặc miếng cotton kín khay, lớp giấy/ miếng cotton dày khoảng 3cm đủ ngậm nước là được. Sau đó tưới đẫm nước rồi rắc hạt lên trên và tưới nước cho ướt hạt, đặt khay ở nơi thoáng mát, ánh sáng nhẹ.
- Khi mầm nhú lên thì duy trì mỗi ngày tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Chú ý sử dụng bình phun sương tưới nhẹ để không nát mầm.
- Sau khoảng 2 ngày, rau mầm phát triển cao, chỉ cần tưới 1 lần vào buổi sáng và trước ngày thu hoạch thì ngừng tưới để rau không bị thối úng.
- Tùy từng loại hạt giống mà có ngày thu hoạch khác nhau nhưng thông thường chỉ từ 4-7 ngày là có thể cắt rau ăn được. Sử dụng kéo cắt cách gốc khoảng 2 phân, sau đó tiếp tục tưới để nuôi tiếp rau mầm và thu hoạch thêm 2-3 lần nữa cho đến khi hạt teo hết.
Những lưu ý về rau mầm
Tuy rau mầm giàu dinh dưỡng nhưng việc sử dụng rau mầm quá nhiều cũng đem lại những bất lợi cho sức khoẻ. Thông thường cứ 100g rau mầm sẽ có hàm lượng dinh dưỡng tương đương 1kg rau bình thường.
Rau mầm chứa nhiều vitamin, chất xơ và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, nhờ vậy, loại rau này giúp nâng cao sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hoá.
Rau mầm rất tốt, nhưng không nên ăn quá nhiều. Không nên ăn rau mầm thay thế hoàn toàn rau trưởng thành mà chỉ nên ăn khoảng 100g rau mầm/ngày (đối với trẻ nhỏ thì khoảng 25g/ngày), không nên ăn quá 300g/ngày để đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hoá.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.
GD&TĐ -Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang phối hợp Ban Dân vận TP Thủ Đức (TPHCM) khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân Khmer huyện Tri Tôn.
GD&TĐ - Nha khoa Mai Hùng Group và Công ty Mead International ký kết chương trình tặng nhiều suất trồng răng Implant miễn phí cho người nghèo ở Hà Tĩnh.