Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, chị Phan Hồ Điệp (mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam ) đã nêu quan điểm thú vị nhưng cũng rất đáng quan tâm về cách nói chuyện của bố mẹ đối với con trẻ.
Chị Phan Hồ Điệp cho biết, thỉnh thoảng chị có xem một chương trình dành cho thiếu nhi trên tivi, thấy MC chương trình rất cố gắng để tạo không khí thân thiện với các bé, tuy nhiên theo chị, một số câu hỏi dành cho trẻ mà chương trình lựa chọn là chưa phù hợp. Ví dụ như: "Con yêu bố hơn hay mẹ hơn” hay “con có bạn gái chưa”…
Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam cho rằng: “Với trẻ con, đừng nên hỏi: Con yêu bố hơn hay mẹ hơn. Đừng tạo “áp lực” cho trẻ về việc đo đếm tình yêu xem nhiều ít. Ngay cả trong gia đình, bố mẹ cũng không nên hỏi những câu theo ý đồ “so sánh” như thế. Bởi con yêu thương hồn nhiên, yêu bố và mẹ theo cách khác nhau chứ không phải là nhiều hay ít.
Hay cách hỏi: Con có bạn gái chưa? Rồi cười kiểu “bí ẩn”. Và nếu con trả lời là “có” thì chương trình cho hiệu ứng tiếng cười rộ lên".
Chị Điệp cho rằng đây là cách dẫn không phù hợp. Bởi “bạn gái” trong suy nghĩ của trẻ chỉ có nghĩa là “bạn nữ”. Vậy nên con có yêu thương, quý mến hay muốn kết thân với bạn cũng là bình thường. Thậm chí con có muốn “cưới” bạn thì cũng không giống như khái niệm “cưới” mà chúng ta vẫn nghĩ.
“Mình biết trong khoảng thời gian hạn hẹp của chương trình, các bé hầu hết nhút nhát, lại phải theo định hướng là hỏi những câu hỏi để thử xem con nói đúng hay sai nên rất khó. Nhưng ở ngoài đời, bố mẹ cần phải biết những nguyên tắc nói chuyện với con trẻ", chị Điệp bày tỏ.
Người mẹ cũng đưa ra một số nguyên tắc và phương pháp giao tiếp của mình với con cho phụ huynh khác tham khảo:
1. Đừng cố gắng nói “điệu” hoặc “nựng nịu” trong các cuộc nói chuyện với con. Những cách nói đó chỉ nên như gia vị, thi thoảng dùng thôi. Còn lại bạn nên giữ giọng nói bình thường. Trong khi nói, bạn hãy để bé được nhìn thấy những biểu hiện trên khuôn mặt bạn: vui vẻ, hào hứng, nghiêm túc, buồn, giận… Trẻ có khả năng “đọc” những biểu hiện này từ khi còn rất nhỏ.
Trẻ có khả năng “đọc” những biểu hiện của bố mẹ từ khi còn rất nhỏ
2. Hãy cố gắng lồng ghép những điều bạn muốn nhắc nhở vào những chủ đề mà con đang quan tâm. Ví dụ con bạn thích siêu nhân, bạn có thể hỏi: Siêu nhân này là loại gì thế con? Có siêu nhân tốt vậy có siêu nhân xấu không? Siêu nhân cũng có mẹ chứ, chắc mẹ siêu nhân xấu sẽ không vui đâu con nhỉ. Mẹ cũng thế, mẹ muốn mình là mẹ của siêu nhân tốt. À, con thử nghĩ xem, nếu mẹ làm siêu nhân thì mẹ sẽ là siêu nhân gì thì phù hợp, nhưng con nhớ là mẹ không biết bay đâu nhé…
Nói chung là bạn nghĩ ra những câu chuyện nghiêm túc và hài hước.
3. Trong những lúc bé cáu giận, bạn đừng dập tắt cảm xúc của bé. Đừng giải thích dài dòng: Đấy, mẹ đã nói với con rồi, chơi ở cửa thì thế nào nó cũng dập vào tay. Hoặc phủ nhận: Đau gì mà đau. Hoặc dọa dẫm: Con mà còn khóc, mẹ gọi ngáo ộp đến bắt.
4. Đôi khi, những “tín hiệu” không lời của bạn lại có giá trị khích lệ hơn bất cứ lời nói nào. Trẻ sẽ rất hạnh phúc nếu được bạn khen, cổ vũ bằng những cách: Nháy mắt, giơ ngón tay/ Đập tay/ Bắt tay/ Ôm thật chặt/ Nhướng mắt và cười thật tươi/ Im lặng quan sát việc chơi của con và nếu con quay ra thì mỉm cười…
5. Để khuyến khích sự tự tin và mang lại tiếng cười cho trẻ, đôi khi bạn có thể áp dụng chiến thuật có tên là “Giả vờ ngốc nghếch”. Ví dụ như: giả vờ quên đường về nhà/ giả vờ hát sai lời bài hát mà trẻ thuộc/ giả vờ đếm sai/ giả vờ sợ sệt/ giả vờ mặc ngược áo/ giả vờ hỏi những câu “cá vàng”: Ôi cái mũi của tôi để ở đâu rồi?/ giả vờ không biết làm một việc gì đó/ Giả vờ nhầm lẫn những bộ phận trên cơ thể bé, ví dụ nói: Mẹ thơm tay nhé nhưng lại thơm vào chân…
“Cứ thế, mỗi ngày bạn thêm vào cho trẻ một ít niềm vui, một ít hân hoan, một ít hứng khởi, một ít tin tưởng. Nhờ thế mà trong mỗi căn nhà sẽ tràn đầy những tin yêu...”, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam viết.