Lắng nghe đam mê của trẻ: Hãy là 'hậu phương' vững chắc

GD&TĐ - Công việc liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật luôn là niềm đam mê của nhiều người trẻ bởi “ánh hào quang” từ sự nổi tiếng và thu nhập không nhỏ. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng ủng hộ.

Việc lựa chọn nghề nghiệp cho trẻ trong tương lai là vấn đề khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Ảnh minh họa: ITN.
Việc lựa chọn nghề nghiệp cho trẻ trong tương lai là vấn đề khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Ảnh minh họa: ITN.

Để biết con mình phù hợp với ngành nghề nào trong tương lai, phụ huynh có thể chú ý tới một số đặc điểm của trẻ. Với những trẻ đam mê theo đuổi công việc về nghệ thuật, sáng tạo, cha mẹ cần giúp con phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo ngay từ sớm.

Áp lực khi không được ủng hộ

Việc lựa chọn theo ngành nghề nào chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với cả phụ huynh và trẻ. Nhiều phụ huynh cho rằng, để có tương lai vững chắc, cuộc sống ổn định, trẻ cần được định hướng tập trung học thật tốt ngay từ sớm.

Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cảm thấy hứng thú với những định hướng nghề nghiệp mà phụ huynh đề ra. Nhiều trẻ ngay từ nhỏ lại mơ ước trở thành người làm nghệ thuật, hoặc các công việc mang tính sáng tạo khác. Chính bởi vậy, những kỳ vọng “phải học thật giỏi để sau này trở thành một người thành công” luôn gây áp lực không nhỏ với trẻ.

Thực tế, theo học thuyết Holland về các nhóm sở thích và khả năng nghề nghiệp, mỗi người có thể thuộc vào 1, 2, 3 (hay hơn) nhóm sở thích và khả năng. Khi biết bản thân thuộc về nhóm nào, chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu, trải nghiệm, xác định được những kỹ năng mình giỏi tự nhiên. Từ đó, quyết định con đường nghề nghiệp nào bản thân nên theo đuổi trong tương lai.

Đồng thời, nhóm người nghệ thuật thường thích sự tự do trong mọi chuyện. Họ không thể chịu đựng được sự gò ép hay phải theo khuôn khổ. Họ có trí tưởng tượng khá phong phú, trực giác mạnh, cũng như có khả năng sáng tạo. Những người này cũng yêu thích cái đẹp và dễ bị hấp dẫn bởi cái đẹp (thiên nhiên, con người, đồ vật…). Họ đồng thời có một hay nhiều khả năng như khiếu thẩm mỹ, ăn mặc đẹp, phối màu, vẽ, viết, nhảy, hát, chụp hình, quay phim, chơi một nhạc cụ, thẩm âm… Họ không thích giống người khác và luôn thích làm sao để mình khác người xung quanh.

Là một người từng gặp áp lực tâm lý khi muốn theo đuổi công việc liên quan đến nghệ thuật, sáng tạo, nhưng bị phụ huynh ngăn cấm, chị Thạch Thủy Tiên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, tôi đã bộc lộ niềm yêu thích mãnh liệt với thời trang. Chính vì vậy, tôi luôn ấp ủ ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, khi bước vào những năm cuối trung học phổ thông, cha mẹ yêu cầu tôi gác lại đam mê với thời trang để tập trung cho việc học. Cha mẹ tôi nhấn mạnh rằng, tôi bắt buộc phải thi đỗ vào trường đại học để sau này có thể trở thành một nhân viên văn phòng làm theo giờ hành chính”.

lang-nghe-dam-me-cua-tre-1.jpg
Trẻ thuộc nhóm nghệ thuật thường có một hay nhiều khả năng như phối màu, vẽ, viết, nhảy, hát, chụp hình, quay phim… Ảnh minh họa: ITN.

Chị Thủy Tiên cho biết, thời điểm đó, chị dành nhiều thời gian để đấu tranh tư tưởng, liệu nên nghe theo lời phụ huynh, hay làm theo “tiếng gọi con tim”. Sau nhiều căng thẳng trong mối quan hệ với cha mẹ ở thời điểm đó, chị quyết định thi vào một trường đại học để theo học ngành xuất bản. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ hai đại học, chị Tiên quyết định bảo lưu để nộp đơn xin học vào một ngôi trường đào tạo về thời trang.

“Sau nhiều năm trăn trở, tôi phát hiện ra rằng, cái gì đã là đam mê thì mình không thể từ bỏ. Dù đi học theo định hướng của cha mẹ, nhưng tôi chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về công việc thiết kế thời trang. Vì không được làm những gì bản thân muốn, nên tôi luôn rơi vào trạng thái kiệt sức, căng thẳng.

Thậm chí, có giai đoạn dù đỗ đại học, nhưng tôi không thấy hạnh phúc, mà hụt hẫng, stress vì không được theo đuổi đam mê. Sau cùng, cha mẹ đã thấu hiểu cho tôi. Hiện tại, cha mẹ tôi cũng hiểu rằng, dù là công việc gì, miễn con mình cảm thấy hứng thú, đam mê, thì đó đã là một sự thành công”, chị Thủy Tiên bày tỏ. Hiện, ở tuổi 29, nhà thiết kế thời trang Thủy Tiên đã gặt hái được một số thành tựu trong sự nghiệp.

Trong khi đó, chị Đặng Thu Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn tự hào khi được mẹ ủng hộ trong hầu hết mọi quyết định. Chị chia sẻ, từ những năm trung học cơ sở, chị tìm thấy niềm đam mê ca hát và đã được mẹ hỗ trợ hết sức. Thấy con gái yêu thích nghệ thuật, cô Vũ Đoan - mẹ chị Thu Trang không ngại tìm các lớp học đàn, hát để cho con tham gia.

Khi lên cấp 3, chị Trang tiếp tục tham gia nhiều chương trình do trường tổ chức với tư cách là ca sĩ. Sau đó, chị tiếp tục được gia đình ủng hộ để nộp đơn dự thi trong một cuộc thi âm nhạc. Sau nhiều năm, khi đã trở thành phụ huynh, chị Trang khẳng định cũng sẽ luôn ủng hộ đam mê của con mình, như cách mẹ chị đã làm.

Hiện là phụ huynh của bé trai 6 tuổi, chị Thu Trang cho biết, Bo nhà chị luôn nói sẽ trở thành “TikToker” trong tương lai. Chị chia sẻ, con trai có mong ước đó cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ phát triển “chóng mặt”. “Bo nhà tôi ngày nào cũng được xem điện thoại khoảng một tiếng vào buổi tối sau khi ăn cơm. Chính vì sớm được tiếp xúc với các trang mạng, nên Bo có suy nghĩ sẽ trở thành nhà sáng tạo nội dung.

Bé nhà tôi cho biết cảm thấy thích được chia sẻ góc nhìn cá nhân, cũng như “làm bạn” với việc quay, dựng video. Tôi nói với con rằng, mình luôn ủng hộ và sẽ hỗ trợ con hết sức trong khả năng. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh với Bo rằng, dù đam mê và công việc sau này của con là gì, thì cũng không thể bỏ bê việc học hiện tại”, chị Thu Trang kể.

lang-nghe-dam-me-cua-tre5.jpg
Thay vì cấm cản, cha mẹ nên ủng hộ đam mê với nghệ thuật của con. Ảnh minh họa: Bình Thanh.

Công cụ rèn luyện tư duy sáng tạo

Theo báo cáo do Tập đoàn Ogilvy công bố vào cuối năm 2023, nền kinh tế sáng tạo nội dung đang liên tục phát triển và mở rộng. Khái niệm này dùng để chỉ các cá nhân, doanh nghiệp tạo và kiếm tiền từ nội dung trực tuyến, hay còn gọi là nhà sáng tạo nội dung. Hiện, có 50 triệu nhà sáng tạo nội dung trên thế giới. Trong đó, 2 triệu người xem công việc này là nguồn thu nhập chính hay duy nhất.

Để tạo bước đệm cho trẻ theo đuổi đam mê nghệ thuật, sáng tạo trong tương lai, phụ huynh cần chú trọng vào việc xây dựng kỹ năng tư duy sáng tạo cho con ngay từ sớm.

Giáo sư Howard Gardner - nhà tâm lý học tại Mỹ từng nhận định rằng, trí thông minh không chỉ là logic. Nó linh hoạt và đa dạng hơn thế. Dựa trên việc mỗi cá nhân là một bản thể khác biệt, trí thông minh cũng sẽ vì vậy mà khác nhau. Do đó, Giáo sư Howard Gardner nhấn mạnh, để có thể phát triển tối đa tiềm năng hoặc một loại trí thông minh cụ thể nào đó, trẻ cần được dạy dỗ tốt trong môi trường khuyến khích sự khám phá. Vì vậy, giáo dục nên quan tâm đến sự phát triển sớm về trí thông minh, trí tuệ và tính sáng tạo cho trẻ ngay từ sớm.

Theo nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) năm 2017, các công việc như telesales (bán hàng qua điện thoại), thẩm định bảo hiểm, phân tích tín dụng, và thậm chí kỹ thuật viên dược... đều có khả năng bị tự động hóa lên đến 90% trong tương lai gần. Lúc này, sự sáng tạo được xem là chiếc “chìa khóa” để trẻ nắm giữ những vị trí, công việc phù hợp với thời đại.

Trong cuốn sách được xuất bản bởi Đại học Oxford - “Supporting Creativity and Imagination in the Early Years”, tác giả Bernadette Duffy cũng đã nhấn mạnh vào việc phát triển tư duy sáng tạo ở trẻ. Sách nói rằng, tư duy sáng tạo chính là cơ sở cho trí thông minh, cũng như giúp trẻ thích nghi linh hoạt với sự thay đổi trong cuộc sống.

Trong đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, âm nhạc là một trong những công cụ tốt nhất để rèn luyện tư duy sáng tạo cho trẻ. Qua âm nhạc, trẻ thể hiện cách nhìn nhận thế giới cũng như xác định vị trí của mình trong thế giới ấy. Quá trình trẻ tiếp xúc và hoạt động âm nhạc cùng cha mẹ hay bạn bè như học hát, nghe hát, học chơi nhạc cụ, vận động theo nhạc… sẽ hình thành những yếu tố cần thiết cho sự sáng tạo.

Theo cô Đặng Thục Hà My - Trung tâm tiếng Anh Bình Minh (Hà Nội), việc cho con tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm cũng là một trong những yếu tố giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo. Cô Hà My cho biết, các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiện đại thường chú trọng sử dụng linh hoạt công cụ đa phương tiện như nhạc, phim, tranh ảnh, kịch, các bộ học cụ tương tác… và tập trung phát triển khả năng giao tiếp ở trẻ. Đó là “chìa khóa” để xây dựng hành vi tư duy sáng tạo cho trẻ.

“Bên cạnh đó, việc cho trẻ tiếp thu các môn học thông qua ngoại ngữ cũng sẽ góp phần vào việc xây dựng tư duy sáng tạo ở trẻ. Với phương pháp này, trẻ phải tư duy trực tiếp bằng ngoại ngữ để nắm bắt bài học, giúp tăng tốc độ phản xạ và sự nhạy bén, cũng như tăng tính chủ động và năng động”, cô Hà My chia sẻ.

Theo khảo sát khác từ Công ty nghiên cứu Morning Consult (Mỹ) đăng tải vào tháng 9/2023, sáng tạo nội dung là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu của người trẻ từ 13 - 26 tuổi. Cụ thể, 57% (trong hơn 2.200 người) cho biết sẽ trở thành nhà sáng tạo nội dung nếu có cơ hội. Mặt khác, báo cáo tháng 5 của Công ty ConvertKit (Mỹ) chỉ ra rằng, 18% trong số 1.000 nhà sáng tạo nội dung cho biết đã kiếm được hơn 100.000 USD mỗi năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

NATO không kết nạp bất cứ nước nào đang có chiến tranh

Pháp dự đoán xung đột còn kéo dài 5 năm

GD&TĐ - Báo cáo ‘Đánh giá Chiến lược Quốc gia đến năm 2030’ của Pháp dự báo cuộc xung đột Nga-Ukraine không sớm kết thúc và có thể kéo dài từ 3-5 năm nữa.