Mẹ ngồi tựa cửa

GD&TĐ - Hình ảnh “Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về” đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài thơ Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Lá rơi... một chiếc lá rơi...

Một ngày hỡi... một ngày ơi... một ngày

Mẹ ngồi bấm đốt ngón tay

Đứa ngoài năm chục, đứa đầy sáu mươi

Thằng cu nhớn rõ là tươi

Xác to mà nhẹ như người trên mây.

Cái thằng cu nhỡ đến hay

Đang đêm vục dậy đi cày dưới trăng

Cái thằng cu bé mới hăng

Bữa nào nó cũng ăn bằng bát loa...

Giờ đây vắng cửa vắng nhà

Chiến chinh... nào biết đường xa nẻo gần...

Thu vàng, nắng gió đầy sân

Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về...

Hải Thanh

Lời bình của Đặng Toán

Có một cảm giác thổn thức, xót xa thật khó tả khi bắt gặp hình ảnh ngỡ như rất thường tình đó.

Hãy thử hình dung: Một người mẹ đã quá già nua, cỗi cằn (bởi, các con của mẹ cũng đã “đứa ngoài năm chục, đứa đầy sáu mươi” rồi), vẫn ngày ngày tựa cửa, đôi mắt đục mờ, cạn khô vì khóc con, đang ngóng về xa xăm...  

Mẹ đang nhẩm đếm từng chiếc lá rơi bằng đôi tai chắc cũng chẳng còn độ thính nhạy, bàn tay nhăn nheo, lần bấm từng đốt ngón gầy khô gầy khẳng, tính ngày tính tháng các con ra đi sao mãi chưa về... Liệu độc giả có ai không cảm thấy cay cay khóe mắt khi bắt gặp hình ảnh thơ ám ảnh đó?

Mẹ đã già cả, rất có thể mẹ còn mắc cái lẩn thẩn, lẫn cẫn của tuổi già. Nhưng kí ức về các con thì mẹ không hề lầm lẫn.

Mẹ ghi nhớ hình ảnh con của mình rõ nét từ hình dáng, tính tình cho tới đường ăn nết làm của từng đứa: “Thằng cu nhớn rõ là tươi/Xác to mà nhẹ như người trên mây/Thằng cu nhỡ đến là hay/Đang đêm vục dậy đi cầy dưới trăng/Cái thằng cu bé mới hăng/Bữa nào nó cũng ăn bằng bát loa...”.

Đến đây thì có lẽ độc giả mới nhận ra. Không phải mẹ chỉ ngồi đếm lá rơi để mong có phép màu đưa những đứa con của mẹ quay về. Mẹ đang kể chuyện và hãnh diện về các con của mẹ đấy.

Đôi tay già nua đang lần rờ, nâng niu, ve vuốt một cách trìu mến những tấm ảnh, những khung hình Tổ quốc ghi công. Và đấy là những đứa con của mẹ: Người rõ là tươi tắn, người rõ là khỏe mạnh, người lại lam làm, cần cù chịu khó. Con của mẹ đẹp đẽ từ hình dáng đến tính tình.

Cái cách gọi tên các con: “Thằng cu nhớn, thằng cu nhỡ, thằng cu bé” quá đỗi dân dã, quá đỗi thân thương của người mẹ trong bài thơ càng khiến tâm trạng xót đau, hẫng hụt xâm chiếm không gian, xâm chiếm tâm hồn người đọc.

“Giờ đây vắng cửa vắng nhà/Chiến chinh... nào biết đường xa nẻo gần/Thu vàng nắng gió đầy sân/Lá rơi, lại tưởng bước chân ai về...”. Bốn câu thơ ngắn mà sao nghe như chất chứa bên trong bao tiếng thở dài của sự vô vọng.

Nếu người mẹ trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Tạ Hữu Yên “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” tức vẫn còn có một người con trở về, đỡ đần mẹ lúc tuổi già hiu quạnh. Thì người mẹ trong bài thơ của Hải Thanh đã thực sự trắng tay! Xót đau lắm chứ!

Không một từ đao to búa lớn. Mỗi câu thơ, mỗi dòng thơ ngỡ nhẹ như không mà sức mạnh lên án chiến tranh phi nghĩa mới sâu sắc, mới đanh thép làm sao. Và đấy thực sự là những điều mà cuộc sống cần mỗi nhà thơ, nhà văn góp tiếng nói của mình, thông qua những tác phẩm văn học vừa giàu chất hiện thực vừa đậm tính nhân văn, như Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh cụ thể và nguồn gốc tên gọi của Oreshnik vẫn còn là điều bí ẩn.

Điều ông Putin không biết về Oreshnik

GD&TĐ - Dù Oreshnik của Nga đã được biết đến trong cuộc tấn công cơ sở quân sự Ukraine hồi tháng trước nhưng đến nay, nguồn gốc tên gọi vẫn là bí ẩn.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.