Mẹ chồng điều khiển nàng dâu như “con rối”

GD&TĐ - Trước đám cưới, mẹ Linh “lăn tăn”: “Con nghĩ kỹ chưa? Bố mẹ rất quý Thắng nhưng nếu kết hôn với nó, con sẽ phải sống ở nhà chồng vì nó là con một, cuộc sống của con sau này sẽ còn rất nhiều áp lực…”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Linh tỏ ra khá tự tin: “Từ nhỏ con đã quan sát công việc của mẹ, con thấy mẹ vất vả nhưng mẹ vẫn luôn vui tươi và hạnh phúc vì con biết mẹ rất yêu bố, và mẹ không có lựa chọn nào khác”. Thấy Linh trưởng thành và chín chắn, mẹ cô tạm yên tâm và tin tưởng vào sự lựa chọn của con gái.

Đám cưới chuẩn truyền thống diễn ra khiến cả 2 gia đình cực kỳ mãn nguyện. Đặt chân về nhà chồng, Linh cảm nhận được niềm hạnh phúc xốn xang. Mẹ chồng làm gì cô cũng giành lấy: “Mẹ để con”. Ngại với con dâu mới, mẹ chồng Linh cũng nhất định giành hết việc về mình: “Để mẹ làm, con cứ về phòng nghỉ ngơi đi”.

Giai đoạn ngại ngùng giữa mẹ chồng và con dâu diễn ra được vài ngày thì kết thúc khi mẹ chồng Linh chủ động gần gũi và quan tâm đến con dâu hơn. Thấy Linh đi làm cả thứ 7 và chủ nhật, bà hỏi: “Con làm công việc gì mà bận thế nhỉ?”. Linh vui vẻ trả lời: “Con làm kế toán cho công ty xuất nhập khẩu mẹ ạ, không lúc nào ngơi việc, nhưng con không sao đâu, con còn trẻ nên sứ mệnh của con là cống hiến mẹ ạ”.

Nghe Linh nói, mẹ chồng chẹp miệng: “Ôi dào, phụ nữ cống hiến công sức cho công việc quá nhiều cũng chả để làm gì, phụ nữ còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm…”. Chưa hiểu lắm ý của mẹ chồng nhưng vì sợ muộn giờ làm, Linh cuống cuồng: “Con phải đi đây mẹ ạ”.

3 cái cuối tuần Linh không ở nhà, mẹ chồng sốt ruột, bà âm thầm xin một công việc khác cho Linh. Đợi con trai và con dâu có mặt ở nhà, bà thông báo: “Mẹ đã nhờ chỗ quen thân xin được một công việc phù hợp với Linh”. Linh ngây thơ: “Ơ, con có việc làm rồi mà mẹ, ngày nào con cũng đi làm, mẹ cũng thấy mà”. Mẹ chồng giải thích: “Mẹ thấy công việc ấy không phù hợp với con, từ tháng sau con sẽ làm kế toán ở bệnh viện – cơ quan cũ của mẹ nhé”.

Lúc này Linh mới tin mình sắp “mất việc” thực sự, cô thẳng thắn chống đối: “Mẹ ơi, chỗ con đang làm tuy hơi vất vả nhưng đấy là môi trường năng động mà con rất thích, con sợ chỗ làm mới không phù hợp với con…”. Chưa để Linh nói xong, mẹ chồng mạnh mẽ “chốt”: “Con vẫn làm công việc kế toán mà, đấy vẫn là chuyên ngành con được học, hơn nữa, môi trường bên này ổn định hơn, bên kia bấp bênh lắm con ạ, về già cũng chẳng có đồng lương hưu để mà bấu víu”.

Càng ở lâu với mẹ chồng, Linh càng nhận ra tư tưởng và suy nghĩ của bà truyền thống đến mức cổ hủ. Sau nhiều ngày “đàm phán” không thành công, Linh chấp nhận thay đổi công việc để giữ hòa khí trong gia đình. Công việc mới buồn tẻ khiến Linh thấy bản thân trở nên cục mịch, kém năng động và hoạt bát, nhưng dù sao mẹ chồng cô nói cũng không sai, ở môi trường mới, cô không cần bon chen với ai, cứ an tâm làm hết việc là được về nhà.

Một hôm đi làm về, Linh thấy “vật thể lạ” nằm chềnh ềnh trước cừa nhà. Cô chưa kịp thắc mắc thì mẹ chồng sai: “Con thay quần áo rồi ra đây mẹ bảo”. Linh nhanh chóng thay quần áo rồi chạy lại gần mẹ chồng, bà chỉ đạo: “Con nhóm than cho mẹ”. Thì ra “vật thể lạ” ấy được gọi là bếp than tổ ong.

Từ bé Linh chưa phải nhóm than bao giờ, cô lén rút điện thoại, tham khảo cách làm, tối đó Linh suýt tắc thở vì sặc khói than. Thấy kỹ năng nhóm than của Linh khá ổn, mẹ chồng giao luôn công việc này cho cô, mỗi chiều tối đi làm về, cái bếp nguội ngắt và cục than tổ ong luôn chào đón cô ngoài cửa.

Sợ bị ảnh hưởng sức khỏe, Linh phàn nàn: “Sao mẹ phải đun than làm gì ạ? Nhà mình có bếp điện cơ mà?”. Mẹ chồng lắc đầu: “Con chẳng hiểu gì cả, giá điện ngày càng tăng, mình phải tiết kiệm, hơn nữa, bố con ngày nào cũng đòi ngâm chân, trong nhà luôn phải có nước nóng con ạ, cái bếp này giúp nhà mình tiết kiệm được bao nhiêu tiền điện”.

Không biết từ lúc nào, một cô gái xinh đẹp, sành điệu và năng động như Linh lại trở nên thụ động hoàn toàn trước mẹ chồng, bà điều khiển cô như một con rối: sáng đi làm, tối về nhà nhóm bếp cho bà. Trước đó vài tháng, cô chưa từng hình dung hình ảnh thảm hại của mình lúc này. Cô nghĩ, nếu cô tiếp tục nhún nhường và chiều ý mẹ chồng, sau này bà sẽ còn “hành” cô nhiều nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.