Như nhiều bà mẹ trẻ hiện đại khác, chị Vũ Hồng Anh (nhân viên Ngân hàng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) quan niệm, nuôi con là phải thường xuyên tương tác với con. Vì vậy, công việc bận rộn đến đâu nhưng mỗi ngày đón con đi học về, chị đều dành thời gian trò chuyện cùng con hoặc tranh thủ trên đường đi, hai mẹ con "tám" với nhau. Chị còn cẩn thận ghi âm rồi viết lại hoặc quay video về những cuộc đối thoại đó. Thói quen này được hai mẹ con chị duy trì từ lúc bé Nguyễn Vũ Thiên Giang đi học mẫu giáo đến bây giờ. Bằng cách này, Hồng Anh hướng con đến việc chia sẻ và cảm nhận mọi chuyện cùng mẹ để từ đó, mẹ có thể kịp thời sửa cho con những suy nghĩ chưa đúng đắn. "Con với mẹ như hai người bạn, nhiều khi con chỉ mong mẹ đến đón để kể cho mẹ nghe chuyện của con", bà mẹ trẻ tâm sự.
Những câu chuyện nhỏ với bé Bông (tên ở nhà của Thiên Giang) thường xuyên được chị Hồng Anh chia sẻ trên trang cá nhân để một là lưu lại kỷ niệm cho con và hai là giao lưu kinh nghiệm nuôi dạy con với các bà mẹ khác. Mới đây, chị đăng một đoạn video bé Bông kể vanh vách chuyện yêu đương của bạn cùng lớp với nhiều điều khiến bản thân chị bị "choáng" để cảnh báo phụ huynh có con từ 5 tuổi trở lên cần quan tâm hơn tới tâm sinh lý các con.
Bé Bông kể chuyện yêu của hai bạn cùng lớp
Trong video, nàng "Bông thúi" kể chuyện hai bạn Minh và Na (*) yêu nhau vì Na thấy Minh đẹp trai. Có lần, Minh nhặt được một chiếc nhẫn trong sân trường nên đã quỳ xuống và nói với Na: "Em ơi, nhận lấy anh nhé, anh sẽ cưới em". Đáp lại, Na trả lời: "Em yêu anh mãi mãi mà anh". Hay một lần khác, cô bé còn nhìn thấy hai bạn của mình đi ra phía sau trường và... hôn vào môi nhau. Thậm chí, hai bạn còn thơm nhau trong lúc dự giờ nhưng cô giáo không biết.
Nghe chuyện của con, Hồng Anh có lúc phải thốt lên là: "Trời ơi" vì không nghĩ rằng ở độ tuổi này, các con lại "lớn" thế. Tuy nhiên, chị không quên dặn con rằng, sau này nếu có yêu ai, thích ai thì phải kể với mẹ đầu tiên, đừng xấu hổ mà giấu mẹ. Chị trấn an con bằng lời giải thích: "Vì con kể với mẹ, mẹ còn giúp cho... chứ không học theo các bạn ở lớp nhé".
Trong cuộc sống hàng ngày, chị Hồng Anh và con gái rủ rỉ với nhau đủ thứ chuyện trên đời.
Chia sẻ thêm về chuyện giáo dục giới tính cho con, chị Hồng Anh cho biết, giai đoạn Bông 2 tuổi, bé đã biết xếp mình vào giới nam hay nữ rồi, tuy nhiên chỉ là phân biệt thuần túy về hình thức bên ngoài. Hồi đó, Bông mặc định con trai là có đuôi. Sau này, khi bé lên 3 tuổi, chị tiếp tục dạy cho con quy tắc đồ lót, dặn con chỗ mặc đồ lót là cấm không để ai chạm vào. Vì thế, với những người lạ, con nhất định không cho ôm và người quen cũng chỉ bắt tay. Lúc 3 tuổi, bé Bông cũng đã biết đàn ông có râu do hormone khác với đàn bà...
Tất cả các kiến thức này là do chị Hồng Anh thường xuyên trò chuyện và giải thích một cách thẳng thắn cho con. Bên cạnh đó, chị cũng mua những cuốn sách khoa học như Mười vạn câu hỏi vì sao, Bộ sách chủ đề Tự nhiên - Xã hội... Bé Bông 3 tuổi đã biết đọc nên tự học được khá nhiều điều. Hồng Anh kể lại câu chuyện một lần bé bị bố mắng vì tè dầm và cô bé đã lý luận rằng: "Tại não con không kiểm soát được".
Nàng "Bông thúi" - Thiên Giang biết đọc từ hồi mới 3 tuổi và luôn là cây tấu hài đem lại tiếng cười cho cả gia đình.
Riêng với chuyện "tình yêu", để con thoải mái nói ra hết ngọn ngành, Hồng Anh thường bắt đầu bằng việc gợi mở những chủ đề không liên quan như: "Bữa trưa con ăn thế nào?", "Ở lớp con chơi với bạn nào?"... hoặc chị nói về một ngày của chị rồi con cứ tự nhiên mà nói “tuốt tuồn tuột” mọi chuyện. Điều quan trọng theo chị Hồng Anh là cha mẹ phải lắng nghe con thật sự nghiêm túc, thái độ không quá hưởng ứng nhưng cũng không nên nạt nộ để con cảm thấy đó hoàn toàn là điều bình thường và lần sau còn muốn tiếp tục chia sẻ với bố mẹ.
Bà mẹ trẻ cho rằng: "Việc thích - yêu - ghét là cảm xúc của con người nên trẻ có như vậy cũng rất bình thường. Mình cứ để con mến - thích bạn ấy đi. Thậm chí buồn khổ vì bạn ấy không thích lại cũng được. Thà đối mặt với những cảm xúc ấy sớm, sau này con không bị vấp ngã. Nếu bây giờ có để lại hậu quả gì thì cũng không nghiêm trọng bằng khi con lớn lên mà "mù tịt", hậu quả khi ấy là chịu chết. Khi con còn trong tầm kiểm soát của mình thì mọi việc không đáng ngại. Nhưng con cần chia sẻ với mẹ để mẹ biết con ở giai đoạn nào, nên làm gì thì mình sẽ giúp con theo cách những người bạn giúp nhau".
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi