Điểm đặc biệt năm nay của dự án là ngoài các tác phẩm triển lãm của các họa sĩ chuyên nghiệp tham gia chương trình, còn có bộ tác phẩm của các em thiếu nhi vùng cao (xã Tùng Vài, xã Đông Hà và xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) vẽ trên vải lanh dệt tay để làm thổ cẩm.
Đây là ý tưởng để tạo sinh kế cho cộng đồng bằng cách đem lại sức sống mới cho mặt hàng thổ cẩm, vừa vẫn mang đặc thù văn hóa bản địa, vừa kết hợp với những nét đương đại của mỹ thuật – là nét vẽ hồn nhiên đầy mơ ước của trẻ thơ miền núi.
Dự án làm thiện nguyện bằng nghệ thuật của nhóm Thiện Nguyện Sao Núi (Moutain Star Charity - MSC) được khởi xướng từ ý tưởng của nghiên cứu sinh Đài Loan, anh Quách Ngân Vỹ (Kuo Yen Wei).
Anh là một người đặc biệt, bởi trong khi hàng trăm ngàn thiếu nữ Việt đi tìm hạnh phúc và cuộc sống mới ở Đài Loan, thì có lẽ Quách Ngân Vỹ là người đàn ông Đài Loan duy nhất (?) đi tìm hạnh phúc và cuộc sống mới ở Việt Nam.
Anh tốt nghiệp ngành Việt Nam học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, và tìm thấy tình yêu của mình với một thiếu nữ dân tộc Bố Y tít tận Hà Giang.
Họa sĩ dạy vẽ cho các em nhỏ miền núi |
Ngay từ thuở sinh viên, Quách Ngân Vỹ đã có niềm hứng thú sâu sắc với mỹ thuật đương đại Việt, và có mối giao lưu mật thiết với các họa sĩ trẻ tại Hà Nội.
Sau khi lập gia đình và định cư tại Hà Giang, Quách Ngân Vỹ trở về Đài Loan, vận động các nguồn tài trợ để lập nên dự án Thiện Nguyện Sao Núi – MSC. Nhóm gồm các tình nguyện viên từ Nhật Bản, Đức, Trung Quốc đang sinh sống và học tập tại Việt Nam, kết hợp với các họa sĩ giảng viên thuộc trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nhóm Sơn Ta Việt Nam, nhóm họa sĩ Black và nhóm họa sĩ Beef Shank Studio.
Chủ trương của dự án là giảng dạy mỹ thuật tình nguyện cho trẻ em ở các vùng sâu xa, khó khăn của Việt Nam, kết hợp với các trải nghiệm sáng tác của họa sĩ trẻ.
Từ năm 2014 đến nay, với hơn 30 thành viên đều đặn, dự án đã tiến hành vẽ bích họa cho các trường tiểu học, dạy học vẽ cho hơn 500 em nhỏ từ 6 – 20 tuổi tại các xã vùng cao Hà Giang và huyện đảo Cô Tô.
Song song với việc dạy vẽ thiếu nhi, cuối mỗi mùa dự án là triển lãm tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài của các họa sĩ cùng tranh của các em thiếu nhi tại những nơi nhóm đã đến.
Các triển lãm này sau đó đều được dự án đưa sang Đài Loan trưng bày tiếp, như một cách góp thêm vào cây cầu giao lưu văn hóa Việt Nam – Đài Loan. Rất nhiều các tác phẩm hội họa từ các triển lãm này đã ở lại trong các bộ sưu tập mỹ thuật tại Đài Loan sau triển lãm. Đó là triển lãm Ánh sao (2014) / Sắc đá (2015) / Dòng chảy (2016)…