Lời giải cho bài toán học phải đi đôi với hành

GD&TĐ - “Chúng ta đã và đang loay hoay với vấn đề học phải đi đôi với hành. Nhưng rút ra từ lý luận nhận thức, học đi đôi với hành là không hoàn toàn đầy đủ. Chúng ta thiếu đi một bước gọi là “nghiệm”. Tức là tiếp xúc với sự vật hiện tượng, tạo ra những kinh nghiệm tiền đề trước khi có những tri thức về chúng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Và đây cũng là lời giải cho bài toán học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn. Vậy cách tốt nhất để lý thuyết gắn liền với thực tiễn là quá trình giảng dạy của chúng ta hãy xuất phát từ thực tiễn”.

Ông Nguyễn Anh Chung (Câu lạc bộ Triết học Hà Nội) đã thể hiện quan điểm này trong bài tham luận tại Hội thảo Giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Xuất phát từ những cơ sở của Triết học, trong tham luận của mình, ông Nguyễn Anh Chung đặt ra những quy trình cần có trong giảng dạy những môn khoa học dựa trên lý luận nhận thức, cụ thể như sau:

Cho học sinh tiếp xúc trước sự vật, hiện tượng

Trước hết, khi tri thức của học sinh về sự vật hiện tượng được giảng dạy còn là một tấm bảng sạch, hãy đưa học sinh tiếp xúc với những đối tượng, sự vật, hiện tượng đó.

Nếu dạy về lực đàn hồi, hãy mang những cái lò xo và hướng dẫn học sinh tạo ra lực đàn hồi. Nếu dạy về đất đỏ bazan, không thể dạy học sinh về đất bazan thông qua những con chữ vô định hình được, hãy đem những mẩu đất bazan tới cho học sinh, hãy để để học sinh nhìn, chạm, ngửi, tiếp xúc với những mẩu đất ấy bằng những giác quan.

Tương tự như vậy với những môn khoa học khác, đây là bước quan trọng nhất của quá trình giảng dạy, quá trình này sẽ tạo nên những hình ảnh nền tảng đầu tiên của sự vật hay còn gọi là biểu tượng trong học sinh.

Kích thích, giúp học sinh đặt vấn đề

Sau khi có những hỉnh ảnh đầu tiên về sự vật hiện tượng, hãy kích thích, giúp học sinh đặt vấn đề. Tại sao khi kéo lò xo có xu hướng trở lại ban đầu khi chưa bị biến dạng? Đất đỏ bazan có những đặc điểm nào? Tại sao đất đỏ bazan có màu đỏ vàng?

Sau khi đặt vấn đề như vậy, hãy để học sinh phán đoán, tự đưa ra khái niệm, tự trả lời những câu hỏi trên một cách tự nhiên, bằng lý tính của chính học sinh dù những câu trả lời ấy có phần ngây ngô và hoang sơ.

Giảng dạy khái niệm, lý thuyết chuẩn

Vai trò của giáo viên sẽ được thể hiện sau khi hoàn tất những quá trình trên. Lúc này, giáo viên hoàn toàn có thể giảng dạy về những khái niệm, lý thuyết chuẩn về những kiến thức xoay quanh sự vật hiện tượng.

Sau khi học sinh có được những biểu tượng đầu tiên về sự vật hiện tượng thì việc giảng giải của giáo viên sẽ rất hiệu quả, vì những lời giảng của giáo viên đóng vai trò giải thích thắc mắc của học sinh.

“Phương pháp của chúng ta thiếu đi giai đoạn tạo thắc mắc cho học sinh. Nếu học sinh không có những thắc mắc thì việc giảng giải của giáo viên sẽ rất thiếu hiệu quả. Hãy tạo thắc cho học sinh một cách trực tiếp và giúp học sinh trả lời những thắc mắc đó” – ông Nguyễn Anh Chung nêu rõ trong tham luận.

Quay lại thực tiễn

Và sau cùng, để củng cố kiến thức cho học sinh, giáo viên sẽ cùng học sinh quay lại thực tiễn, thực hiện lại thí nghiệm, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn để kiểm tra tính đúng sai của lý thuyết, rút ra chân lý cho học sinh.

Đây mới chính là một quy trình giảng dạy chuẩn để giúp học sinh nhận thức đúng và đầy đủ về sự vật hiện tượng.

"Chúng ta có thể sáng tạo ra nhiều hình thức giảng dạy khác nhau nhưng chung quy lại, quá trình giảng dạy phải tuân theo những quy luật cơ bản. Giáo dục phải từ trực quan sinh động cho tới tư duy trừu tượng.

Học sinh tiếp xúc với sự vật hiện tượng bằng những giác quan và tự đặt vấn đề và giải quyết vấn đề với tư duy của chính mình.

Giáo viên đóng vai trò hỗ trợ học sinh giải thích những vấn đề ấy một cách nhanh gọn, triệt để.

Phương pháp giáo dục hiệu quả không phải là giảng giải thật hay những tri thức về thế giới mà phải tạo được những thắc mắc về thế giới cho học sinh và giúp học sinh giải đáp những thắc mắc đó" - ông Nguyễn Anh Chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ