Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024)

Màu xanh áo lính

GD&TĐ - Ngày còn trong quân ngũ, tôi thường nhận được những cánh thư tay của bạn bè, người thân gửi đến.

Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội
Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội

Đó là món quà tinh thần vô giá mà tôi vô cùng trân quý trong suốt thời gian còn ở lính. Trong những bức thư ấy, tôi nhớ một người bạn cấp ba - khi ấy đang học trường sư phạm có chép tặng những vần thơ về lính đầy xúc cảm. Bài thơ ấy có tên là “Màu xanh áo lính”. Và đó cũng là ấn tượng sâu sắc đầu tiên của tôi với người lính…

Lúc còn nhỏ, khi xem những thước phim tư liệu về chiến tranh nhân những dịp đặc biệt như kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam hay ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cũng từng băn khoăn tự hỏi, vì sao những người lính lại khoác lên mình bộ quân phục màu xanh mà không phải bất kì một màu nào khác. Sau này lớn lên, tôi được thầy cô bình giảng về hình ảnh người lính qua các thi phẩm như “Đồng chí” (Chính Hữu), “Tây Tiến” (Quang Dũng), “Đất nước” (Nguyễn Đình Thi)… tôi mới hiểu thêm về “màu xanh”, về người lính. Màu xanh ấy không thuộc về những đau thương mất mát. Màu xanh ấy là khát vọng về một cuộc sống bình yên, không khói lửa chiến tranh. Nó như là biểu tượng của hòa bình. Và người lính khoác lên mình bộ quân phục thiêng liêng ấy như một lời thề đem đến sự hạnh phúc, hòa bình cho quê hương đất nước.

Có lẽ ai đã từng đi qua thời áo trắng cắp sách đến trường cũng còn nhớ bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng với những câu thơ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Thoạt nghe, tưởng như chỉ mang một chút ngang tàng, một chút đùa nghịch đầy chất lính, nhưng càng đọc càng thấy hiện thực khắc nghiệt, mới thấy hết những gieo neo, khổ ải của đoàn quân Tây Tiến. “Không mọc tóc” - đó là hậu quả của những cơn sốt rét rừng run người làm tiều tụy, rụng hết cả tóc của các chiến sĩ. Rồi nước độc, rừng thiêng, bệnh tật hành hạ..., tất cả như vắt kiệt sức lực khiến cho quân xanh màu lá. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu “quân xanh màu lá” là màu quân phục của người lính - màu xanh của lí tưởng sẵn sàng hi sinh để đem lại yên bình cho nhân dân. Hai câu thơ cho ta thấy được hình ảnh rất thực của các chiến sĩ Tây Tiến khi phải đối phó với bệnh tật: Ốm, xanh, rụng tóc... Nhưng không phải vì thế mà họ mất đi vẻ oai phong dữ dội “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới...”.

Trở lại câu chuyện về những bức thư tay từ ngày tôi còn đang ở quân ngũ, bài thơ bạn chép tặng có nhắc đến “màu xanh áo lính”. Bức thư được gửi đến đúng ngày đơn vị tôi đang phấn khởi chuẩn bị lễ kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến nay, tôi đã ra quân gần hai mươi năm nhưng những câu thơ ấy thi thoảng vẫn vang lên đâu đó, nhất là trong những dịp lễ đặc biệt như thế này:

“Giản dị nào hơn màu xanh áo lính?

Màu cỏ hoa, cây lá tươi xanh

Màu đồng ruộng, nương đồi bát ngát

Màu núi đồi, sông suối

Yên lành...

Thân thiết nào hơn màu xanh áo lính?

Màu non tơ lộc biếc, chồi non

Màu thanh khiết sắc trời xanh thẳm

Màu ước mơ

Nẩy nụ, ươm mầm”.

Đó là những vần thơ dường như đã diễn tả đúng và xúc động tâm trạng của chúng tôi nhất khi đang được khoác lên mình chiếc áo màu xanh. Và rồi, hình ảnh của những người lính bộ đội cụ Hồ trong năm tháng chiến chinh ác liệt cứ thế hiện về trong những người lính thời bình như chúng tôi: “Màu áo ấy/ Hiền như cây cỏ/ Mà trung kiên trong lửa đạn chiến chinh/ Màu áo ấy thân thương như nỗi nhớ/ Lại đứng mũi chịu sào trong bão tố điêu linh”. Hình ảnh những người lính hành quân trong đêm với “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, với những vất vả, hi sinh “rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Những hình ảnh ấy vừa ám ảnh đau thương vừa như bản giao hưởng hùng tráng, mạnh mẽ gợi lên trong lòng thế hệ trẻ chúng ta. Nhạc sĩ Trương Quý Hải từng chia sẻ “Tôi nghĩ người lính nào cũng như tôi, như mọi người, không ai thích súng đạn. Nhưng kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc”. Thời chiến chinh, người lính - những người còn trẻ tuổi đã cống hiến, hi sinh tuổi thanh xuân để lên đường ra trận. Thanh xuân của họ như những mầm xanh, như chính màu áo xanh mà họ đang mặc. Họ khát khao được sống trong hòa bình. Họ khát khao được chung sống trong bình yên, hạnh phúc. Có lẽ đó cũng là khát vọng của hàng trăm, hàng triệu người lính cùng thời…

Người lính dù ở thời nào, chiến tranh hay hòa bình đều mang trong mình khát vọng lớn - khát vọng xanh, khát vọng về sự bình yên, về tự do, về nền độc lập của dân tộc. Từ ngàn xưa, hình tượng người lính đã hiện lên và tô điểm trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Đó là hình tượng những người tướng sĩ trong “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn hăng say học tập binh thư, luyện rèn võ bị để chuẩn bị đánh đuổi kẻ xâm lược Mông - Nguyên hùng mạnh nhất thế giới thời ấy. Để rồi có một hình tượng người anh hùng thời Trần cắp ngang ngọn giáo mạnh mẽ, hiên ngang đứng trước lịch sử tràn đầy khát vọng giữ gìn Tổ quốc trong bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão: “Múa giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu. Đó là hình tượng “tướng sĩ một lòng phụ tử” vì “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” mà thương yêu, đoàn kết như cha con “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” có trong “Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi. Hay hình tượng người lính nghĩa sĩ Cần Giuộc chỉ với những vũ khí thô sơ nhất nhưng sẵn sàng đem mạng sống của mình liều chết với kẻ thù xâm lược Pháp để giữ gìn đất nước!... Những người lính ấy là hiện thân của tinh thần yêu nước, thương dân, vì dân, ý chí dũng cảm quật cường để tô thắm những trang lịch sử bằng vàng của dân tộc!

Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của hàng ngàn năm chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử nhiều đau thương và cũng rất đỗi hào hùng đó, người lính, đặc biệt là người lính trong thời đại Bác Hồ luôn là biểu tượng vừa thiêng thiêng vừa gần gũi khi người dân nhắc đến. Xin được mượn lời thơ của nhà thơ Lê Anh Phong để bày tỏ tình cảm với “màu áo xanh” của những người lính bộ đội cụ Hồ:

“Thân thương quá

Ơi màu xanh áo lính

Khốc liệt chiến chinh

Sôi động hòa bình

Màu áo ấy cứu trung trinh xanh thắm

Cho non nước quê hương

Yên ấm, thanh bình!”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ