Mâu thuẫn quy mô và chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Trong giáo dục luôn luôn tồn tại mâu thuẫn nội tại giữa quy mô và chất lượng, giáo dục nghề nghiệp cũng không ngoại lệ.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Phát biểu tại hội thảo “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21”, TS. Phan Chính Thức (Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội) đã đưa ra nhận định này trên.

Ông lý giải: Chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp là “bất biến”. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp luôn đối mặt với những thách thức của thị trường lao động và phải thích ứng linh hoạt và nhanh nhạy với yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên không vì quy mô mà dễ dãi với chất lượng, buông lỏng kiểm soát và quản lý chất lượng.

Chất lượng xác định mức độ đạt được mục tiêu đào tạo. Sản phẩm đầu ra của hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải là những con người chủ động, sáng tạo, có tư duy phản biện, có kiến thức (lý thuyết và thực tế) và kỹ năng (kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số ..) để thích ứng linh hoạt với các tình huống xảy ra trong công việc, tự chủ, tự chịu trách nhiệm với công việc của mình …,

Quy mô đào tạo là “vạn biến” vì quy mô đào tạo luôn thích ứng linh hoạt với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động về cơ cấu trình độ; cơ cấu ngành, nghề và cơ cấu vùng, miền. Phát triển quy mô theo hướng mở: mở về tư duy, mở về loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở địa điểm đào tạo, linh hoạt về chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, phương pháp đào tạo và huy động nguồn lực ….

Thích ứng còn thể hiện sự thông thoáng, mở, linh hoạt trong tuyển sinh (đầu vào), mở mang thêm ngành, nghề mới mà xã hội có nhu cầu, tuy nhiên cần tăng cường giám sát chặt chẽ và đảm bảo chất lượng đầu ra.

Cũng theo TS. Phan Chính Thức, trong giáo dục nghề nghiệp, quan tâm đến phân tầng chất lượng, trong đó phát triển nhân lực chất lượng cao là cốt lõi của hệ thống, là điều kiện tiên quyết cải thiện hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp trước công chúng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, khẳng định vị thế trong hội nhập quốc tế, là yếu tố quyết định các mối quan hệ với các chủ thể khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong mạng lưới cần xây dựng một số trường chất lượng cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để nâng cao chất lượng, TS. Phan Chính Thức cho rằng, cần đổi mới phương pháp dạy và học. Vai trò nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã và đang thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập sáng tạo, là người cung cấp, gây ảnh hưởng tới cách tư duy và học có phê phán của người học; họ không chỉ là chuyên gia kiến thức về công nghệ, kỹ thuật số, không chỉ dạy trong môi trường học tập lấy người học làm trung tâm, mà còn kiến tạo môi trường phát triển tính sáng tạo, năng động để giải quyết những vấn đề phát sinh và giúp người học tự định hướng trong học tập.

“Đào tạo theo năng lực là xu thế tất yếu, hai trụ cột của năng lực thực hiện là “Kỹ năng nghề và Năng lực đổi mới sáng tạo” (Trích xuất báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới) sẽ quyết định chất lượng và sự thích ứng của nhân lực qua đào tạo với thị trường lao động” TS. Phan Chính Thức nêu thêm quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ