Mấu chốt là yếu tố con người

GD&TĐ - “Tôi cho rằng đã tổ chức thi thì khó có thể tránh khỏi việc tiêu cực. Đương nhiên chúng ta cần phải có những quy chế chặt chẽ, quy trình khoa học, nhưng yếu tố con người rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh quy chế cần làm kỹ công tác tập huấn, giáo dục chính trị tư tưởng để quán triệt tinh thần mỗi cán bộ tham gia vào kỳ thi” – PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm khi nhận xét về Kỳ thi THPT quốc gia 2018.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, đã là thi thì có hai kỳ thi hay một kỳ thi đều phải quan tâm đến tính nghiêm túc, chất lượng và cũng sẽ gặp phải những vấn đề tương tự về tiêu cực. “Một số ý kiến đôi khi chỉ nhìn một chiều, khi thấy có việc tiêu cực xảy ra thì đổ lỗi cho kỳ thi “2 trong 1”. Tôi thì không cho là như vậy. Ngay cả khi chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trước kia cũng không phải là không có tiêu cực. Vấn đề là chúng ta làm quyết liệt đến đâu” – PGS Hoàng Minh Sơn thẳng thắn chia sẻ.

Trong bối cảnh phổ điểm được công bố công khai, minh bạch từ Bộ GD&ĐT, mọi người dân đều có cơ hội để nhìn nhận, đánh giá và phát hiện tốt hơn những tiêu cực xảy ra, vị lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá rất cao việc Bộ GD&ĐT quyết liệt trong việc tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân.

Ông cho rằng, trong công việc của ngành, của quốc gia, việc đóng góp của người dân trong việc phát hiện hiện tượng tiêu cực thông qua phản ánh, nhận xét về phổ điểm là rất quan trọng. Và Bộ GD&ĐT không chỉ thông qua các chuyên gia của mình phân tích dữ liệu, mà còn tiếp nhận ý kiến của người dân, của xã hội để có những phản ứng, động thái, biện pháp kịp thời, quyết liệt. Đây là điều rất quan trọng. Và bất cứ kỳ thi nào, dù một hay hai kỳ thi đều phải làm nghiêm túc như vậy.

Đề cập đến độ tin cậy của kết quả kỳ thi THPT, theo PGS Hoàng Minh Sơn, nếu không tin tưởng vào điểm số của Kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH đã không lấy kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào ĐH.

Và nếu nói không tin tưởng vào kết quả thi THPT quốc gia thì cũng chính là phủ nhận những cố gắng góp ý của các trường ĐH. Luật GD ĐH đã rất rõ ràng, các trường tự chủ được lựa chọn phương thức tuyển sinh. Điểm thi phản ánh một phần - có thể là phần chính - năng lực của người học và tính phù hợp với môi trường ĐH ở mỗi trường. Ngoài ra khi vào trường còn phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng và cũng có đào thải. 

PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất hiện tại chính là cùng nhau tìm ra những giải pháp để khắc phục, hạn chế các bất cập của Kỳ thi THPT quốc gia trong tương lai, tăng tính tin cậy của kết quả thi, tăng tính công bằng với thí sinh. Còn các trường có thể áp dụng những giải pháp khác để có thể đảm bảo chất lượng: Tổ chức một bài test đánh giá năng lực của thí sinh bổ sung cho các trường, hoặc siết chặt quá trình đào tạo, đánh giá ở năm thứ nhất, thứ hai để đào thải những thí sinh có điểm thi chưa thực sự phù hợp với năng lực và quá trình học tập. 

“Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là một tiêu chí tốt để tham khảo trong công tác tuyển sinh. Quan trọng nhất là quá trình đào tạo trong trường, sinh viên phải được sàng lọc, rèn luyện, các em phải cố gắng, kiểm nghiệm trong trường. Thông thường điểm thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tương đối cao nên chúng tôi không ngại có thể có tỷ lệ 1%, thậm chí đến 2% thí sinh nào đó có kết quả không thực chất, bởi vào trường sau 1 – 2 năm, các em sẽ không theo học được. Xin thông báo là tỷ lệ tốt nghiệp ở ĐH Bách khoa Hà Nội khoảng 80 – 85%, các sinh viên được sàng lọc khoảng 15 – 20%.” – PGS Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...