Mặt trận tiền tệ

GD&TĐ - Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang phả hơi nóng hơn bao giờ hết vào thị trường tiền tệ của Nga.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Nga bất ngờ tăng lãi suất thêm 350 điểm cơ bản lên ngưỡng 12% sau một cuộc họp khẩn nhằm tìm cách ngăn chặn đà mất giá của đồng Ruble nội tệ trước các đồng tiền khác.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang phả hơi nóng hơn bao giờ hết vào thị trường tiền tệ của Nga, khi lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, tỷ giá hối đoái của đồng USD và đồng Euro lần lượt vượt quá 101 và 111 Ruble của Nga trong phiên giao dịch ngày 14/8. Tính trung bình, tỷ giá đồng nội tệ Nga đã suy yếu gần 25% so với đồng USD chỉ vài ngày trước đó.

Trước đó, đợt suy yếu kỷ lục của đồng Ruble xảy ra vào tháng 3/2022 khi có mức quy đổi thấp chưa từng có là một USD ăn tới 120 Ruble. Đây là kết quả ngay lập tức đến từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga thời điểm đó sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hồi cuối tháng 2/2022.

Với tình hình hiện nay, cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin là ông Maxim Oreshkin cho rằng việc đồng Ruble suy yếu sẽ làm phức tạp quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực tế của người dân Nga. Ông cho biết, Điện Kremlin mong muốn có một đồng Ruble mạnh vì lợi ích của nền kinh tế Nga.

Ông Orekhkin cũng cho rằng chính sự lỏng lẻo trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga là nguyên nhân khiến đồng Ruble trượt giá nhanh chóng, chứ không hẳn do các tác nhân từ bên ngoài. Chính vì vậy, giới chức Moscow đã có biện pháp can thiệp để thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nga phải có hành động ngay lập tức.

Ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải triệu tập một cuộc họp bất thường để đánh giá tình hình tìm cách ứng phó và xem xét lại mức lãi suất cơ bản 8,5% hiện nay.

Theo Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Trung ương Nga, tăng trưởng nhu cầu trong nước vượt quá khả năng mở rộng sản xuất sẽ khuếch đại áp lực lạm phát và ảnh hưởng đến động lực tỷ giá hối đoái của đồng Ruble. Sự mất giá của đồng nội tệ Nga so với các đồng tiền quốc tế khác đang được chuyển sang giá cả và dẫn đến lạm phát tại Nga gia tăng.

Do đó, để đối phó với tình trạng trên Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 350 điểm cơ bản lên 12% mỗi năm kể từ ngày 15/8/2023, nhằm hạn chế rủi ro gây bất ổn giá cả.

Ngay sau cuộc họp, biện pháp này đã có hiệu quả tức thì khi tỷ giá một đồng USD giảm xuống dưới 99 Ruble, trong khi đồng Euro giảm xuống dưới 108 Ruble so với mức 101 và 111 trước đó một ngày.

Trong lần sụt giảm giá trị kỷ lục của đồng Ruble hồi tháng 3 năm ngoái, nhờ các biện pháp đối phó của ngân hàng Nga, chỉ 7 tháng sau đồng nội tệ Ruble đã phục hồi nhanh chóng và lên mức cao nhất trong vòng 7 năm.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng các hành động ứng phó của Ngân hàng Trung ương Nga lần này cũng sớm bình thường hóa tỷ giá đồng Ruble để ổn định nền kinh tế.

Những diễn biến căng thẳng của tỷ giá đồng Ruble với các ngoại tệ mạnh của phương Tây như USD và Euro phản ánh một cuộc chiến khác đang diễn ngoài chiến trường đối đầu giữa Nga và Ukraine, đó là cuộc chiến tiền tệ.

Điều này càng cho thấy sức ảnh hưởng sâu rộng của cuộc xung đột hiện nay và làm đậm nét thêm sự khó lường của tình hình trong thời gian tới khi chiến tranh vẫn còn tiếp diễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ