Xu hướng do Nga đặt ra đang được nhiều quốc gia khác trên thế giới tích cực áp dụng, nhận định này được đưa ra bởi ấn phẩm Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn Cầu).
Theo tờ báo tiếng Trung, tỷ trọng của cặp tiền tệ nhân dân tệ - rúp đạt 39% trong giao dịch trao đổi, trong khi tỷ trọng của cặp đô la - rúp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm là 34%.
Đồng thời, ngày càng có nhiều tổ chức tín dụng Nga kết nối với Hệ thống liên ngân hàng xuyên biên giới để tiến hành các hoạt động giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Ngay cả một tổ chức tài chính nhỏ như NBD-Bank cũng đã làm điều này.
“Trung Quốc và Nga đang thể hiện mối quan hệ đối tác chiến lược mở rộng. Mối quan hệ kinh tế và thương mại cũng đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Vì vậy, tỷ trọng ngày càng tăng của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối Nga là phù hợp với kỳ vọng”, tờ Global Times cho biết.
Nga đang đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thay vì đô la Mỹ. |
Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 190 tỷ USD vào năm 2022, tăng 29,3% so với năm trước, có lẽ năm nay con số còn cao hơn.
Trong bối cảnh đó, dự kiến tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong các thỏa thuận thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng.
Kể từ khi Washington sử dụng đồng đô la và hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT làm vũ khí, thương mại quốc tế bình thường và thanh toán bằng đồng tiền của Mỹ đã trở nên đầy rủi ro.
Nhiều quốc gia và khu vực đã nhận ra sự cần thiết phải học hỏi kinh nghiệm từ Nga và giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Nhiều nước bắt đầu chuyển sang giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và tiền tệ của mình.
"Nhiều quốc gia ngày nay đang cố gắng hình thành một hệ thống tiền tệ quốc tế đa dạng hơn... Đồng đô la sẽ vẫn là 'đồng tiền thống trị', nhưng tầm quan trọng và 'vị thế quốc tế' của nó sẽ dần suy giảm", tờ báo Trung Quốc viết.
Các khoản thu và chi xuyên biên giới của Trung Quốc, tính bằng nhân dân tệ, lên tới con số 42 nghìn tỷ (6,1 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, tăng 3,4 lần so với năm 2017.
Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ hiện ở vị trí thứ ba trong rổ quyền rút vốn đặc biệt trong IMF, hơn 80 quốc gia và khu vực trên thế giới sử dụng làm tiền tệ dự trữ, khiến nó trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ năm trên thế giới.