Tuy nhiên, nguyên nhân gây biến chứng là do các thành phần có trong sản phẩm được gọi là “tế bào gốc” tiêm vào da gây phản ứng trên cơ thể. Thực chất, các sản phẩm này chỉ được dán nhãn “tế bào gốc”.
Sản phẩm không tinh khiết
Chị Lan 35 tuổi (TPHCM) được nhân viên một cơ sở y tế tư vấn truyền tế bào gốc để phục hồi cơ thể. Người này giới thiệu tế bào gốc xuất xứ nước ngoài, một hộp 10 lọ.
Một liệu trình trị giá 550.000 đồng với tác dụng tăng cường sản sinh tế bào, collagen, chống lại lão hóa. Ngoài ra, tế bào gốc giúp xóa nám, giảm thâm, tái tạo các tế bào mới nhanh chóng, giúp da trắng sáng, mịn màng.
Người bán hàng cũng cho biết, một lọ tế bào gốc có thể giải quyết hết các vấn đề của da. Tin lời quảng cáo, chị Lan tiêm 10 lọ trong một tháng. Sau tiêm một tuần, các nốt phồng xuất hiện trên da, kích thước 3 mm rải rác khắp mặt kèm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da Liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, thứ bệnh nhân tiêm không phải tế bào gốc. Thực tế, đó là một sản phẩm không tinh khiết, dẫn đến viêm da. Ngoài ra, người thực hiện kỹ thuật tiêm thao tác không đảm bảo vô trùng nên đã đưa thêm vi khuẩn vào cơ thể bệnh nhân qua vết tiêm.
Sau hai tuần điều trị bằng thuốc kháng sinh và kháng viêm, vết thương trên mặt bệnh nhân giảm sưng, đỏ. Tuy nhiên, các vết tiêm có xu hướng lõm, nguy cơ sẹo, không thể lành lại như ban đầu. Theo bác sĩ Hưng, trường hợp này là một trong nhiều nạn nhân của việc tiêm tế bào gốc trôi nổi, không rõ xuất xứ mà bệnh viện tiếp nhận điều trị.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trước đó, không ít trường hợp cũng gặp biến chứng do tiêm tế bào gốc với mục đích làm đẹp. Chị N.T.H (45 tuổi, ngụ Quận 2, TPHCM) đến khám tại Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM trong tình trạng mặt sưng phù, nhiều nốt bầm tím… Chị H. cho biết trước đó 2 ngày có đến một thẩm mỹ viện và được nhân viên ở đây tư vấn tiêm tế bào gốc của Hàn Quốc để làm trẻ hóa da. Sau tiêm 1 ngày, mặt chị H sưng phù, đau nhức.
Tương tự, chị N.B.M (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) cũng bị nổi đầy các nốt sẩn đỏ trên mặt sau khi tiêm tế bào gốc tại một spa. Các nốt sần, mảng đỏ này cả tuần cũng không tan, gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Do đó, chị M. đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám, điều trị.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, nguyên nhân gây ra tai biến là do các thành phần có trong sản phẩm được gọi là “tế bào gốc” tiêm vào da gây phản ứng trên cơ thể.
Thực chất, sản phẩm mà các thẩm mỹ viện, spa tiêm cho những trường hợp bệnh nhân trên chỉ được dán nhãn “tế bào gốc” mà không hề có bất cứ một tế bào gốc sống nào trong sản phẩm.
Việc điều trị những tai biến này mất nhiều thời gian và chi phí. Thậm chí, có nhiều trường hợp phục hồi không hoàn toàn để lại di chứng trên da.
Theo bác sĩ Tú, đến nay, Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ. Việc tiêm vào cơ thể sản phẩm có chứa tế bào gốc còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, theo bác sĩ Tú, khi tiêm tế bào gốc vào cơ thể, chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn được sự phát triển và biệt hóa của các tế bào gốc sẽ diễn ra trong cơ thể như thế nào, dẫn đến xuất hiện các khối u thứ phát. Vì vậy, người dân cần tham khảo ý kiến chuyên gia ở các cơ sở y tế uy tín và được cấp phép để tránh gây hại cho sức khỏe của chính mình.
Hiện, Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu như suy tủy xương, ung thư máu, các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.
Cục Quản lý Dược hiện không cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Ngoài ra, tế bào gốc chỉ sử dụng tại các cơ sở y tế được cấp phép.