Hoại tử mặt, loét mũi vì làm đẹp giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện nay, với nhu cầu làm đẹp ngày một tăng, chị em không chỉ chú ý tới gương mặt, nhiều người còn đến các cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp vùng kín.

Một trường hợp biến chứng sau nâng mũi. Ảnh: Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc
Một trường hợp biến chứng sau nâng mũi. Ảnh: Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc

Tuy nhiên, không ít trường hợp rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” vì thiếu kiến thức về thẩm mỹ an toàn.

Biến chứng vì “làm đẹp giá rẻ”

Không chỉ ở thành phố, hiện nay, tại nhiều tỉnh thành, việc phụ nữ thẩm mỹ được coi là vấn đề không mới. Hầu hết phụ nữ làm thẩm mỹ các bộ phận chính trên gương mặt là mày và môi, nâng mũi.

Thậm chí, các phương pháp như nâng ngực, cắt mí, lấy mỡ bọng mắt, treo cung mày, xâm kim, lăn kim để trẻ hóa da, tẩy da trắng,... cũng được nhiều chị em ưa chuộng.

Đáp ứng nhu cầu, các cơ sở thẩm mĩ, spa mọc lên ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, mức giá cũng khác nhau. Chị em tùy vào thu nhập, thói quen để tìm các cơ sở thẩm mỹ, spa đáp ứng nhu cầu làm đẹp của mình.

Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng tìm tới các cơ sở uy tín để làm đẹp. Nhiều người sẵn sàng “giao phó” gương mặt mình cho những cơ sở nhỏ, thậm chí là thẩm mỹ “chui”.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc (TPHCM) đã nêu ra con số đáng báo động về số ca đến điều trị về biến chứng sau thẩm mỹ. Đó là trong 3 năm gần đây, chỉ tính riêng tại Bệnh viện JW, có khoảng 511 ca bệnh nhân đã đến điều trị.

Trong số đó, 95% khách hàng đi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ chui. Trong đó, trường hợp điển hình mà Bệnh viện JW đã tiếp nhận là biến chứng do tiêm filler không rõ nguồn gốc/sai cách.

Theo bệnh viện, bệnh nhân H. từng tiêm filler tại một spa nhỏ. Khoảng 20 ngày trước khi đến bệnh viện, chị đã tiêm chất giải. Tuy nhiên, vì quá trình làm không được vô trùng sạch sẽ, chị bị áp xe vùng thái dương, mô bị hoại tử hoàn toàn và đau nhức không ngừng. Các bác sĩ đã tiến hành mổ để hút dịch mủ ra bên ngoài và vệ sinh sạch sẽ.

Tiếp đến là bệnh nhân N., chị sốt liên tục nhiều ngày do vùng má tiêm filler bị nhiễm trùng nặng. Kèm theo đó là bị sưng to khoảng 10cm do tiêm filler không đúng cách.

Filler không có nguồn gốc rõ ràng cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Trong trường hợp không xử lý kịp, hậu quả xấu nhất là bị hoại tử mô. Vì khối áp xe lớn để lâu sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân nên các bác sĩ đã tiến hành mổ gấp.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc cũng tiếp nhận nhiều ca biến chứng do nâng mũi tại spa. Điển hình là một nữ bệnh nhân bị hoại tử, lở loét sau nâng mũi tại một spa. Thậm chí, sụn mũi đã đâm thủng đầu mũi. Các bác sĩ đã chuẩn đoán và chỉ định tháo sụn gấp vì đang bị nhiễm trùng nặng. Sau đó, chị cũng đã được cấp cứu kịp thời.

Từ thực trạng trên, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung cho rằng, cần có những giải pháp thay đổi diện mạo ngành thẩm mỹ. Trước hết, cơ quan chức năng phải giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, bản thân người đứng đầu cơ sở phải đặt cái tâm, đạo đức nghề nghiệp lên đầu. Ngoài ra, cần truyền thông, định hướng người dân có nhận thức, kiến thức về thẩm mỹ an toàn.

“Tiền mất tật mang”

Trong hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” năm 2022, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung đã dẫn số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam. Theo đó, có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù không được phép.

Theo thống kê số liệu mỗi năm, Việt Nam có 250.000 người tham gia phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, khoảng 25.000 đến 35.000 ca bị biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ là 14%.

Đặc biệt, theo các bác sĩ thẩm mỹ, vấn đề rất cần quan tâm hiện nay là việc tiêm filler vô tội vạ. Tình trạng này gây ra những biến chứng nặng nề và không lường trước được hậu quả sẽ ra sao.

Hiện nay, với nhu cầu làm đẹp ngày một tăng, các chị em không chỉ chú ý tới gương mặt. Nhiều phụ nữ không “ngại” tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp vùng kín.

Tuy nhiên, không ít trường hợp rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đơn vị đã tiếp nhận, điều trị cho một số trường hợp biến chứng sau khi đi tân trang, làm đẹp vùng kín tại một số cơ sở spa, thẩm mỹ.

Gần đây nhất là trường hợp người phụ nữ hơn 30 tuổi (ở Hà Nội) tự ti vì âm đạo giãn rộng sau khi sinh 2 con bằng phương pháp sinh thường. Do đó, chị đã đến một cơ sở thẩm mỹ để thu hẹp âm đạo. Tuy nhiên, do thu hẹp quá mức, chị không thể quan hệ tình dục nên phải tới bệnh viện xử trí, nong rộng âm đạo.

“Bệnh nhân được tiểu phẫu lại vùng đã khâu nối và sau hơn 1 tháng mới có thể hồi phục. Thực tế, vùng “cửa vào” của bệnh nhân bị khâu hẹp quá mức khiến đối tác gặp khó, không thể quan hệ.

Tuy nhiên, với trường hợp này, kể cả sau thu gọn vùng kín mà không xảy ra trục trặc này thì cũng không làm tăng thêm khoái cảm cho vợ chồng. Bởi thực tế, bệnh nhân mới chỉ được khâu bên ngoài mà chưa giải phẫu bên trong”, PGS Cường lý giải.

Ngoài bệnh nhân trên, bệnh viện cũng tiếp nhận, xử lý cho một số trường hợp bị biến chứng tụ máu, nhập viện điều trị trong tình trạng sưng nề, nhiễm trùng... sau khi cắt bớt môi nhỏ để tạo hình “cô bé”.

Theo các bác sĩ, xu hướng chị em làm đẹp vùng kín ngày càng phổ biến vì thế mà biến chứng cũng gặp ngày càng nhiều, trong đó phổ biến nhất là âm đạo sưng to phù nề, cắt cụt môi bé, cắt nham nhở, thủng trực tràng gây rò rỉ, nhiễm trùng âm đạo...

Nhiều spa quảng cáo dịch vụ se khít vùng kín, thu nhỏ âm đạo, với lời khẳng định thủ thuật đơn giản, ít đau đớn. Tuy nhiên, theo PGS Cường, vùng âm đạo tầng sinh môn nhiều dây thần kinh nên đòi hỏi các thủ thuật phải được thực hiện tại cơ sở uy tín.

Việc lựa chọn những cơ sở hoặc phòng khám “chui” để thực hiện thủ thuật cắt môi “cô bé” hay thu hẹp âm đạo có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bởi, âm đạo là bộ phận có nhiều dây thần kinh khoái cảm và các mạch máu phức tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.