Bà Margrethe Vestager, Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu vừa được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của EU. Chức vụ này sẽ giúp chính trị gia người Đan Mạch giám sát rộng rãi các vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo, big data, đổi mới và an ninh mạng.
Những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google sẽ còn lo lắng hơn khi bà Vestager, 51 tuổi, sẽ tiếp tục điều hành công việc tại ủy ban chống độc quyền của châu Âu.
Bà chính là người đã đưa ra những hình phạt khổng lồ cho Apple và Google, khơi dậy những dòng tweet đầy phẫn nộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khắc tinh của các công ty thung lũng Silicon
Sự phẫn nộ của Washington chỉ khiến bà Vestager thêm nổi tiếng, biến bà thành một ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch EU và cuối cùng được chọn vào vị trí phụ trách chính sách số của châu Âu.
Pablo Ibanez Colomo, giáo sư luật tại Trường Kinh tế London cho rằng các công ty ở Thung lũng Silicon sẽ hiểu cảm giác mệt mỏi khi họ phải đối đầu với bà Vestager trong 5 năm nữa. "Họ biết rõ phong cách của bà ấy", ông Colomo cho biết.
Bà Margrethe Vestager được coi là khắc tinh của các công ty thung lũng Silicon, với những hình phạt hàng tỷ USD kể từ khi nhậm chức năm 2014. Ảnh: AFP. |
Người phụ nữ Đan Mạch thường xuyên gặp những lời chỉ trích cho rằng bà cố tình nhắm vào các công ty công nghệ về độc quyền và thuế, bởi bà thường kết thúc những cuộc điều tra bằng các hình phạt khổng lồ.
Năm 2016, Apple buộc phải hoàn trả khoản thuế tương đương 15 tỷ USD vì sử dụng Ireland để lách thuế. Amazon bị phạt 294 triệu USD vào năm 2017, Facebook bị phạt 122 triệu USD vào cùng năm vì thiếu minh bạch khi mua lại WhatsApp.
Tháng 7/2018, bà Margrethe Vestager công bố số tiền phạt gần 5 tỷ USD đối với Google vì các vi phạm cạnh tranh của tập đoàn công nghệ này. Đây là mức phạt chống độc quyền cao nhất từ trước đến nay của Liên minh Châu Âu.
Trong năm 2019, ủy ban của bà Vestager đã đưa ra mức phạt 1,94 tỷ USD với Google vì vi phạm luật chống độc quyền, và Qualcomm 272 triệu USD vì bán phá giá chip 3G
Một trong những hành động đầu tiên của bà sau khi nhậm chức vào năm 2014 là bắt đầu một cuộc điều tra Google vốn đang bị đình trệ do người tiền nhiệm của bà đã bị sa thải khi đang cố gắng giải quyết. Alphabet, công ty mẹ của Google đã phải chi tổng cộng 9,1 tỷ USD tiền phạt sau các vụ điều tra về độc quyền, sau đó buộc phải tính phí cho hệ điều hành Android của mình ở châu Âu và thay đổi quảng cáo mua sắm.
Chính sự kiên quyết đã khiến bà giành được những sự ngưỡng mộ, nhưng đồng thời gây ra sự khó chịu ở Pháp và Đức khi bà bác bỏ thỏa thuận đường sắt của Siemens và Alstom.
Bà Vestager đã dành vài tháng qua để cố gắng chứng tỏ vị trí của mình như một chính trị gia đã chuẩn bị hành động trước những lo ngại rằng châu Âu đang bị Trung Quốc và Mỹ bỏ lại phía sau, đặc biệt là về công nghệ.
Alphabet vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị phạt nhiều hơn từ các cuộc điều tra mới và khiếu nại công ty này không tuân thủ các lệnh chống độc quyền hiện có.
Vị thế mới của bà Vestager
Vị trí mới của Vestager cho phép bà vượt qua giới hạn thực thi chống độc quyền. Công việc này “không phải là một cuộc tấn công vào các doanh nghiệp", mà là "nỗ lực dân chủ để định hình xã hội”, theo chia sẻ của bà Vestager nói với các phóng viên vào thứ ba vừa qua.
Bà mô tả vai trò mới của mình là giúp lấp đầy những khoảng trống được chỉ ra từ các cuộc điều tra chống độc quyền. Các biện pháp dường như nhắm vào các vấn đề được nêu ra bởi các cuộc điều tra Google.
Mặc dù được bổ nhiệm vị trí mới, bà Vestager vẫn tiếp tục đảm nhận công việc tại ủy ban chống độc quyền của châu Âu. Ảnh: Wired. |
“Bạn sẽ thấy những quy định mới thường xuyên hơn. Chúng tôi đã có cái nhìn sâu sắc từ các trường hợp cụ thể, có thể dẫn đến nhiều điều khoản mới”, bà Vestager cho biết.
Vestager sẽ đảm nhiệm vị trí đứng đầu về chính sách số tại thời điểm Ủy ban châu Âu đối mặt vấn đề an ninh mạng 5G. Bà sẽ phải cân nhắc vai trò của Huawei trong xây dựng hạ tầng, khi Mỹ kêu gọi châu Âu ngăn chặn công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.
Vestager cũng nắm vai trò điều chỉnh cách tiếp cận của EU đối với vấn đề đạo đức của AI, xem xét các cách để chia sẻ dữ liệu lớn. Bà cũng phải tìm cách đạt thỏa thuận quốc tế về thuế đối với các công ty công nghệ vào cuối năm 2020 hoặc đề xuất một khoản thuế công bằng ở châu Âu.
Để đối phó với những lo ngại rằng các công ty Trung Quốc cạnh tranh không công bằng, bà đã được yêu cầu giải quyết sự không mập mờ về quyền sở hữu và trợ giá của chính phủ nước ngoài đối với các công ty.
“Bà ấy sẽ được nhìn nhận rất tích cực, và bà ấy đủ thông minh và nhạy bén để giành chiến thắng trước các nhà lập pháp”, ông Andreas Schwab, thành viên nghị viên châu Âu người Đức chia sẻ.