Mảnh giấy khiến người chồng thành đạt giật mình

GD&TĐ - Bích làm công việc giản đơn trong một cơ quan nhà nước, đồng lương ba cọc ba đồng chỉ đủ để lo cho bản thân, nên tất thảy mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào chồng. 

Mảnh giấy khiến người chồng thành đạt giật mình

Long, chồng cô là một người năng động, nhạy bén, sau khi lập gia đình anh đã bỏ cơ quan nhà nước, tự mở công ty riêng và làm ăn khá phát đạt. Chỉ trong hai năm, Long đã kiếm được tiền để xây nhà khang trang và dần có của tích lũy. 

Bích nghĩ, mình không lo được kinh tế thì cố gắng chu toàn việc nhà cho chồng yên tâm làm việc. Cô làm tất cả mọi việc, từ giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu cơm… để chồng không phải vướng bận gì mỗi khi về đến nhà. Mỗi khi gia đình hai bên có việc, cô đều thay anh gánh vác. 

Những tưởng mọi cố gắng đó sẽ khiến Long hiểu và hài lòng. Nhưng càng ngày Long càng tỏ ra khó chịu, ít nói chuyện với vợ. Chưa có con nên đi làm về là Long vào phòng nằm, mặc cho vợ làm mọi việc, chỉ khi nào Bích gọi ăn cơm anh mới ra. 

Bích biết chồng đi làm về mệt, cần sự nghỉ ngơi nên cũng cho qua, không suy nghĩ nhiều. Nhưng gần đây, Long thay đổi chóng mặt. Anh ăn diện, hay xài nước hoa và làm việc về trễ hơn. Anh còn coi khinh vợ ra mặt. Không ít lần anh “bóng gió” nói vợ chỉ là kẻ ăn bám, không có anh thì có mà chết đói cả lũ. 

Thấy Long ngày càng quá đáng, thậm chí có cử chỉ thân mật với những người phụ nữ mà anh gọi là “đối tác làm ăn”, Bích nhiều lần nhắc chồng, phản ứng trước thái độ của anh nhưng rút cuộc chỉ có những rạn nứt không thể khoả lấp mà không có bất cứ một sự thay đổi nào từ Long. 

Một ngày như bao ngày khác, Long về nhà khi đã gần 11 giờ đêm. Anh đi thẳng vào phòng ngủ rồi lao người xuống giường. Chợp mắt được khoảng 5 phút Long mới cảm thấy có gì đó bất thường. Đáng nhẽ giờ này vợ anh cũng đang ở trong phòng rồi chứ.

Long vùng dậy, rút điện thoại, bấm số vợ. Đúng lúc ấy, anh nhìn thấy mảnh giấy được gấp gọn trên bàn trang điểm của Bích. Anh buông máy, gấp gáp mở toang trang giấy chằng chịt những dòng chữ của vợ:

“Anh à, khi anh đọc được những dòng này thì em đang ở một nơi rất xa rồi. Anh hãy cứ an tâm vì em đang rất ổn, chỉ là lúc này em muốn tránh mặt anh, để cho 2 chúng ta có thời gian suy nghĩ thật nghiêm túc về nhau. 

Người vợ nào cũng có lòng tự trọng, để chồng lo toàn bộ kinh tế gia đình là điều “cực chẳng đã”, và nhiều khi họ còn cho đó là nỗi xấu hổ thầm kín khó nói thành lời. Mặc dù, người vợ không kiếm nhiều tiền bằng chồng, nhưng họ không phải là loại “ăn bám”, họ vẫn tự nuôi sống bản thân bằng công việc họ yêu thích.

Điều quan trọng với người vợ không phải là người chồng của cô ấy kiếm được nhiều tiền, gia đình giàu có, điều họ ao ước nhất chính là sự giàu có trong tình thân, là hạnh phúc gia đình.

Coi thường vợ là điều tối kỵ trong hôn nhân, cậy tài, khinh miệt vợ là cách cư xử ngốc nghếch và đáng trách khi làm chồng. Vẫn biết những áp lực và mệt mỏi anh phải gánh vác khi bươn chải để thành công ngoài xã hội, nhưng thay vì chán nản và coi thường em, tại sao anh không mở lòng, gần gũi và san sẻ với em những tâm sự, áp lực đó để chúng ta cùng tìm lại cân bằng cho gia đình, tìm lại niềm vui và hạnh phúc thật sự bên người vợ mà anh đã lựa chọn?...”.

Bức thư Bích để lại còn một đoạn, nhưng Long không đủ can đảm để đọc tiếp. Anh vò nát tờ giấy, ném nó vào một góc phòng. Anh ngồi lặng thinh, những dòng chữ của Bích không khác gì một cú tát giáng thẳng vào mặt anh. Là anh đã quá vô tâm? Hay là Bích quá nhạy cảm và đang trầm trọng hóa vấn đề? 

Đêm đó Long không thể chợp mắt. Đợi đến gần sáng, anh uể oải gượng dậy, gửi vợ một dòng tin: “Vợ ơi, vợ đang ở đâu? Anh sai rồi, em về nhà đi nhé”.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…