Những bất đồng, tranh luận là một phần tất yếu trong tất cả các mối quan hệ chứ không riêng gì mối quan hệ vợ chồng.
Mối quan hệ vợ chồng cũng thế, khi yêu có thể chỉ là giận dỗi, hờn ghét vu vơ nhưng khi về chung sống một nhà sẽ có đủ mọi vấn đề phát sinh dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng.
Theo chuyên gia tâm lý Tuệ An, những mâu thuẫn dù nhỏ phát sinh khiến chúng ta nảy sinh sự so sánh, so sánh bản thân mình với người khác, so sánh những thứ mình có với những thứ người khác đang có để rồi suy nghĩ tiêu cực và tự ti vào chính bản thân mình
Khi ta bắt đầu khởi sinh những suy nghĩ so sánh người mình thương với những người khác để tìm ra những mặt hạn chế và thua kém của họ, có nghĩa là ta đang bắt đầu có những góc nhìn tiêu cực về đối phương.
Nếu không muốn mối quan hệ sụp đổ, hôn nhân rạn nứt bởi những mâu thuẫn lớn hay nhỏ, hãy thay đổi chính mình theo cách sau đây để giải toả căng thẳng và tìm lại tiếng nói chung giúp mối quan hệ của bạn càng thêm bền chặt:
Tập trung vào điểm mạnh của đối phương
Đừng nhìn vào điểm yếu mà hãy tự hỏi chính mình điểm mạnh của mình là gì? Ưu điểm của người ấy là gì? Tại sao bạn đã chọn yêu hoặc kết hôn với người ấy?.
Hãy cảm thấy hạnh phúc vì những điều đó. Khi bạn biết nhìn vào điểm mạnh của mình và đối phương, chắc chắn bạn sẽ chẳng còn muốn so sánh hay phán xét nữa.
Chấp nhận sự không hoàn hảo
Chẳng ai là hoàn hảo cả, về mặt lý trí, tất cả chúng ta đều biết điều đó nhưng về mặt cảm xúc, chúng ta dường như luôn cảm thấy không hài lòng khi chưa đạt được sự hoàn hảo.
Bạn không hoàn hảo và bạn sẽ không bao giờ có được điều đó. Tôi chắc chắn cũng vậy. Hãy tiếp tục nỗ lực cải thiện nhưng đừng nghĩ rằng bạn sẽ trở thành một người hoàn hảo, người ấy phải hoàn hảo hay chúng ta cần mưu cầu một đối tượng hoàn hảo để yêu và kết hôn.
Đừng dìm người khác xuống
Đôi khi, chúng ta cố gắng chỉ trích những người khác chỉ để làm bản thân mình tốt lên. Dìm người khác xuống, đặc biệt là người yêu hay bạn đời vì lợi ích của mình là sự hủy hoại mối quan hệ.
Cuối cùng, chính bạn cũng sẽ là người bị tổn thương. Thay vào đó, hãy cổ vũ và nâng đỡ cho họ.
"Hãy bớt mong cầu, trân trọng những thứ mình đang có, nhận ra những điểm mạnh và xác định được giá trị thật của bạn là điều cực kỳ quan trọng. Vì nó chính là một trong những chiếc chìa khóa dẫn tới hạnh phúc" - Chuyên gia tâm lý Tuệ An chia sẻ.