Mảng sáng, tối của bức tranh doanh nghiệp Việt

GD&TĐ - Theo báo cáo vừa được công bố của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam, bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam (VNR500) cho thấy bức tranh sáng - tối về khối DN trong nước. 

Mảng sáng, tối của bức tranh doanh nghiệp Việt

Mảng sáng là nếu như 10 năm trước trong top 500 DN lớn nhất chỉ có 20% là DN tư nhân, thì đến năm 2017 số này đã tăng lên gấp gần 2,5 lần. Tuy nhiên, một thông tin khác về bức tranh DN được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, lại cho thấy một mảng tối đối lập là quy mô trung bình của DN tư nhân lại đang ngày một thu hẹp dần.

DN ngày càng... nhỏ dần

Theo báo cáo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/1/2017 số DN quy mô lớn chiếm 1,9% tổng số DN của cả nước, giảm so với tỷ lệ 2,3% của năm 2012. Như vậy tính đến năm 2017, DN nhỏ và vừa chiếm tới 98,1% tổng số DN trong nền kinh tế. Tỷ trọng DN lớn thu hẹp dần là do khối DN nhỏ và vừa đã tăng lên rất nhanh chóng sau 5 năm của giai đoạn 2012 - 2017.

Chẳng hạn, so với năm 2012, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng tới 65,5%. Tính riêng DN siêu nhỏ chiếm tới 74% tổng số DN trong nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý là tỷ trọng các DN nhỏ và DN vừa tăng tới 6 điểm % so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm %, cho thấy quy mô DN đang nhỏ dần.

Các chuyên gia cho rằng, DN nhỏ và vừa chiếm áp đảo là hiện tượng khách quan, diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nền kinh tế phát triển. Bởi các nền kinh tế càng phát triển thì số lượng DN nhỏ càng nhiều. Cụ thể, ở Mỹ có trên 29 triệu DN thì khoảng 22 triệu là DN 1 chủ; quy mô lao động trung bình của DN nước này nhỏ hơn Việt Nam. Các nền kinh tế tương tự khác cũng vậy, số DN có thành viên quy mô nhỏ hiện đang chiếm khá nhiều. Xu hướng này thể hiện khả năng độc lập của một nhóm cá nhân, vì trong một nền kinh tế phát triển, DN càng nhiều ban bệ thì sự linh hoạt, sức cạnh tranh càng kém.

Ví dụ, hiện nay số lao động trung bình trong một DN nhỏ và vừa của Việt Nam khoảng 27 người, thì các nền kinh tế phát triển chỉ khoảng 20 người thậm chí còn thấp hơn. Bởi vậy, nhìn từ góc độ phát triển DN thì số lượng lao động trung bình trên 1 DN không phải là con số để có thể đánh giá chất lượng DN...

Cần chú trọng đến quy mô DN

Theo Tổng cục Thống kê, với các dữ liệu thu thập ban đầu, hiện chưa thể đánh giá cụ thể là xu hướng thu nhỏ của DN Việt Nam là tích cực hay tiêu cực. Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục phân tích các chỉ tiêu số liệu khác liên quan tới doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, khả năng ứng dụng công nghệ… để cung cấp một bức tranh tổng thể hơn về “sức khỏe” của DN Việt.

Tuy nhiên, xu hướng DN mãi “còi cọc” đã được cảnh báo từ vài năm trở lại đây. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, gắn với các ngành mà Việt Nam hưởng lợi điển hình về mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như: Điện tử, dệt may, nông lâm thuỷ sản… thì yếu tố quy mô rất cần được chú trọng. Để tận dụng lợi thế từ việc tham gia các mô hình sản xuất theo mạng, chuỗi thì rất cần có các DN đủ lớn. Tuy nhiên, tình hình thực tế lại cho thấy DN Việt Nam thực sự rất khó “lớn”, thậm chí còn ngày càng còi cọc hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện các nước phát triển có xu hướng dịch chuyển dần sang các ngành dịch vụ, vì vậy quy mô DN cũng thu hẹp lại. Đây là xu thế tất yếu tại các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa lên tới ngưỡng đó, do vậy xu hướng dịch chuyển sang ngành dịch vụ thời gian qua chưa thể hiện được sự gia tăng năng suất lao động cũng như tăng chất lượng, hiệu quả của khối DN. Bởi hiện nay, khu vực dịch vụ có số lượng DN lớn nhất với 362.000 DN, chiếm 70% tổng số DN nhưng chưa thấy sự chuyển dịch đáng kể vì bán buôn bán lẻ vẫn đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của ngành này. Còn đối với các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như vận tải, logistics... được kỳ vọng nhiều thì lại chưa thấy đóng góp được gì.

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2018, cả nước có 18.703 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 197.333 tỷ đồng, tăng 44,0% về số DN và tăng 59,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù vậy, so với tháng liền kề trước đó thì số DN thành lập mới giảm 27,4%. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 11.191 DN, tăng 29,0% so với cùng kỳ năm 2017. Số DN này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh. Số DN chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể của cả nước trong 2 tháng qua là 8.470 DN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.