“Gạn đục, khơi trong” lễ hội

GD&TĐ - Đầu năm du xuân, trẩy hội đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, lễ hội ngày càng được mở rộng cả về quy mô, số lượng. Tuy nhiên, thực tế là các lễ hội đang tăng mạnh về lượng, nhưng lại giảm mạnh về chất. 

“Gạn đục, khơi trong” lễ hội

Bên cạnh việc xuất hiện không ít những xu hướng lệch lạc, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của người dự hội, là các biểu hiện xu hướng thực dụng, thương mại hóa đang phần nào che lấp những giá trị văn hóa vốn có của lễ hội truyền thống.

Trong tâm thức của một bộ phận không nhỏ khách trẩy hội đầu năm, dường như đã và đang có một cách hiểu sai lệch, xa lạ với những giá trị tốt đẹp của lễ hội.

Không ít người đi dự lễ hội chủ yếu là nặng về cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Bản thân các vị thần thánh, anh hùng dân tộc cũng bị biến thành “thế lực” để phù hộ cho các thủ đoạn kinh doanh mờ ám, những phi vụ mua quan, bán tước.

Từ những suy nghĩ sai lệch đó đã dẫn đến những hành vi thực dụng, trần tục như đốt vàng mã thật nhiều, sắm lễ thật to với tính toán lễ càng to thì càng được thánh thần phù hộ, người ta còn gài tiền thật ở khắp nơi, trên bàn thờ, khe cửa, gốc cây, thậm chí ở cả miệng con sư tử đá, rồi còn dám cả gan vay tiền thánh thần để “làm ăn” ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Bia Bà, Phủ Tây Hồ, đền Và, đền Sóc (Hà Nội), đền Trần, Phủ Giầy (Nam Định), đền Cờn, đền Cuông, đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), chùa Bà (Bình Dương), miếu Bà Chúa Xứ (An Giang) hay chùa Bà núi Bà Đen (Tây Ninh)...

Những việc làm phản cảm đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và ham muốn lợi lộc cá nhân, đã phá vỡ không gian văn hóa và sự thiêng liêng của lễ hội và nơi thờ tự, tạo nên tệ nạn mê tín dị đoan.

Đó là chưa kể đến với nhiều lễ hội người ta còn phải chứng kiến tệ nạn lừa đảo, đặt hòm công đức bừa bãi, ở các đền, chùa, tại các địa phương thể hiện sự buông lỏng quản lý, không nghiêm túc trong quản lý lễ hội và thói trục lợi, chỉ biết đến lợi ích trước mắt, làm suy giảm tính linh thiêng của nơi thờ tự, cũng như ý nghĩa văn hóa của lễ hội

Do nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, chạy theo xu hướng thương mại hóa, coi lễ hội và những di tích, nơi diễn ra lễ hội là nguồn lợi riêng, nên một số địa phương chỉ quan tâm, chú ý đến giá trị kinh tế mà coi nhẹ giá trị văn hóa của lễ hội, đã để không gian “chợ búa”, thương mại lấn át không gian văn hóa, các loại hình diễn xướng, thể thao, trò chơi dân gian bị mai một hoặc biến tướng, phổ biến là các hình thức cờ bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng, rồi nạn móc túi, ăn cắp, lừa đảo, sư giả đi khất thực, ăn xin ở nhiều lễ hội… không chỉ làm nhếch nhác, mất trật tự vệ sinh, mà còn tạo ra những hình ảnh rất phản cảm tại chốn linh thiêng.

Người ta thường nói, cộng đồng là chủ thể của lễ hội, muốn giữ được vai trò đó thì mỗi người tham gia phải có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần làm cho lễ hội phát triển lành mạnh.

Công tác tuyên truyền, “gạn đục, khơi trong” lễ hội cần được thực hiện thường xuyên để giúp cho người tham gia lễ hội nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của lễ hội, tự giác thực hiện nếp sống văn minh, điều chỉnh hành vi, ứng xử đúng đắn; làm cho mỗi người tham gia lễ hội thấy được việc đến với lễ hội, đó không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn để làm cho con người mắt sáng, tâm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ