Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, ách tắc trong bán nhà ở xã hội là do có địa phương vẫn muốn can thiệp quá sâu vào việc bán căn hộ của các doanh nghiệp xây dựng. |
Một năm trước, hàng trăm doanh nghiệp đăng ký xin xây dựng nhà ở xã hội, đẩy số dự án lên tới hơn 520 dự án, trong đó có tới 263 dự án nhà ở thu nhập thấp, 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, tính đến nay, cả nước mới có 92 dự án nhà ở sinh viên, 34 dự án nhà ở thu nhập thấp, 24 dự án nhà ở công nhân được khởi công.
Băn khoăn lớn nhất của doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chính là chi phí đầu vào đang tăng cao, trong khi giá bán lại do Nhà nước quy định. Theo tính toán, với mức giá đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khoảng 7 triệu đồng/m2 (dự toán năm 2009), thì so với thực tế giá thành xây lắp hiện nay, doanh nghiệp khó có thể đầu tư xây dựng.
Theo Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bê tông Xuân Mai, hiện nay, để hoàn thiện một mét vuông nhà ở có chất lượng vừa, cần từ 10 đến 12 triệu đồng. Như vậy, một căn nhà có diện tích 60 m2, giá thành đã lên tới trên dưới 700 triệu đồng, vượt quá khả năng của người có thu nhập thấp, khiến doanh nghiệp khó bán nhà. Tuy nhiên, nếu cố ép để xây nhà với mức giá 6 - 7 triệu đồng/m2 cho vừa túi tiền của người có thu nhập thấp, thì sẽ không đảm bảo chất lượng công trình.
Điều cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội là, cùng một số vốn bỏ ra, nhưng bất động sản thương mại sẽ thu hồi vốn nhanh, lãi lớn hơn so với nhà ở xã hội.
Được biết, để được chấp nhận chủ trương đầu tư dự án bất động sản nói chung, không những khó khăn về thủ tục, dài về thời gian, mà doanh nghiệp còn phải chi phí rất tốn kém. Nhưng những chi phí đó, doanh nghiệp không dễ hạch toán vào công trình khi kết thúc.
Về vấn đề ưu đãi vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay, do mới chỉ có Ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai chương trình cho vay xây dựng nhà ở xã hội, với số vốn khiêm tốn hơn 7.000 tỷ đồng.
Do chưa có nguồn vốn ưu đãi, nên khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp buộc phải vay ngân hàng. Với lãi suất hiện tại là 1,3 - 1,5%/tháng, nếu đầu tư, doanh nghiệp sẽ bị lỗ do chỉ thu tiền nhà với lãi suất 0,2%/tháng.
Lý do khác làm doanh nghiệp ngại ngần đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là việc bán nhà đang gặp nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp bị đọng vốn.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, ách tắc trong bán nhà ở xã hội là do có địa phương vẫn muốn can thiệp quá sâu vào việc bán căn hộ của các doanh nghiệp xây dựng. Việc chậm đưa ra các văn bản quy định 10 điểm để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội của các địa phương (trong quy định về việc chấm thang điểm xét duyệt đối tượng mua nhà, Bộ Xây dựng đã xác định các tiêu chí lựa chọn chung tới 90/100 điểm, 10 điểm còn lại do địa phương quy định) không những làm chậm tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân, mà còn khiến các doanh nghiệp bị “tồn” vốn.
Những vướng mắc khác như bố trí quỹ đất, việc quản lý nhà ở xã hội khi đưa vào vận hành… cũng là những trở ngại khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Công văn 208/TB-VPCP, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế khuyến khích hình thành các doanh nghiệp cho thuê nhà ở, từng bước đáp ứng nhu cầu thuê nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, việc chờ các cơ quan chức năng đưa ra những chính sách khuyến nghị phát triển nhà ở để cho thuê sẽ cần thêm thời gian. Và như vậy, đầu tư nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự khai thông thế bế tắc nhanh chóng.
Quang Anh