Mạng lưới các trường đào tạo Luật ở Việt Nam: Nỗ lực vượt mọi khó khăn

GD&TĐ - PGS.TS Phan Thị Hồng Hà - Quyền Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cơ sở đào tạo luật trong mạng lưới để tạo dựng được uy tín với xã hội.

Vượt mọi khó khăn 

Ngày 4/12, tại quần thể du lịch FLC Hạ Long (Quảng Ninh), Trường ĐH Luật Hà Nội phối hợp các trường đại học trong Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam (VLSN) đã tổ chức Hội nghị thường niên năm 2021. 

Tham dự chương trình có PGS. TS Hà Hùng Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam; PGS.TS Phan Thị Hồng Hà, Quyền Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp; TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cùng nhiều quan khách.

Nội dung của hội nghị tiếp tục trao đổi về tổ chức điều hành mạng lưới, chuyển giao nhiệm vụ Trưởng ban điều hành mạng lưới từ Trường ĐH Luật Hà Nội sang Trường ĐH Kinh tế Luật – ĐH Quốc gia TP HCM; thảo luận và xây dựng kế hoạch, chương trình của mạng lưới trong thời gian tiếp theo.

Hội nghị đã tổng kết 3 năm hoạt động, từ ngày thành lập từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2021. Theo đó, trọng tâm hoạt động của VLSN tập trung vào tổ chức các hội thảo, tọa đàm trong khuôn khổ các hội nghị thường niên, qua sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên của mạng lưới với sự tham gia viết bài của các trường thành viên.

Chủ đề của các hội thảo thường tập trung vào các vấn đề mang tính thời sự, gắn với những vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Phan Thị Hồng Hà, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp.
PGS.TS Phan Thị Hồng Hà, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp.
Trong thời gian tới, tôi tin tưởng và hi vọng rằng mạng lưới (VLSN) tiếp tục phát huy năng lực và luôn kiên định với sứ mệnh cao đẹp của chúng ta là đào tạo nên nguồn nhân lực pháp luật chất lượng, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, PGS.TS Phan Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

PGS.TS Phan Thị Hồng Hà khẳng định: Trường ĐH Luật Hà Nội, mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam đã được thành lập với tôn chỉ, mục đích tạo diễn đàn để các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam được trao đổi các vấn đề đào tạo, nghiên cứu Luật học.

Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các cơ sở đào tạo luật, đề xuất, kiến nghị chính sách, pháp luật. Đặc biệt là những chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo Luật và thực hành nghề Luật.

Bộ Tư pháp luôn ủng hộ những sáng kiến, đề xuất, kiến nghị, ý kiến phản biện chính sách của các tổ chức, hiệp hội nhằm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và đặc biệt là đào tạo luật.

Năm 2021 là năm biến động của thế giới, trong đó có Việt Nam, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo đối diện với nhiều thách thức, khó khăn hơn bao giờ hết, các bậc đào tạo từ tiểu học, phổ thông đến đại học đều phải chuyển đổi trạng thái, điều chỉnh chương trình, kế hoạch; đào tạo đại học nói chung và đào tạo luật nói riêng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Trước nhưng thách thức khó khăn đó, bà Hà bày tỏ sự khâm phục trước những nỗ lực và quyết tâm của các cơ sở đào tạo luật trong mạng lưới. Tất cả đã vượt khó để cùng nhau đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo, nghiên cứu, hợp tác, chia sẻ và cùng phát triển.

Tạo dựng được uy tín đối với xã hội

Theo TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Hội nghị thường niên của mạng lưới được tổ chức định kỳ hàng năm tạo ra cơ hội gặp gỡ trực tiếp giữa đại diện các trường thành viên mạng lưới, cũng như các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường giao lưu hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật nói chung cũng như của từng trường thành viên mạng lưới.

Thông qua vai trò kết nối của mạng lưới hoạt động hợp tác của nhóm trường, hợp tác song phương, hợp tác của các nhà khoa học đã được mở rộng và tăng cường. Mạng lưới cũng đã bắt đầu xây dựng được hình ảnh đối với xã hội, với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và pháp luật.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Cũng tại hội nghị lần này, ban tổ chức tập trung tổ chức hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong đào tạo Luật ở Việt Nam” với 26 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu thảo luận đến từ các trường đào tạo Luật ở Việt Nam. 

Hội nghị và các hoạt động của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm và tham dự của đại biểu, đại diện đến từ Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp các bộ, ban ngành có liên quan.

“Có thể khẳng định, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đẩy mạnh cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đang đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam nói chung, hoạt động đào tạo luật nói riêng những yêu cầu nhiệm vụ mới hết sức nặng nề.

Tôi tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ, nhiệt tình của các cơ sở thành viên, mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam sẽ không ngừng phát triển về quy mô, vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trong hệ thống các cơ sở đào tạo đại học Việt Nam cũng như đóng góp thiết thực hiệu quả vào trong công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật phục vụ cho sự nghiệp cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, TS Kiên nói.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội – Trưởng ban điều hành Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam (2019-2021) đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đại diện của các trường đại học tham dự hội nghị trực tiếp và trực tuyến đã ủng hộ, hỗ trợ Trường ĐH Luật Hà Nội hoàn thành vai trò Trưởng ban điều hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của mạng lưới.

Ông Hùng bày tỏ: "Trong thời gian vừa qua mạng lưới đã thu được rất nhiều kết quả bước đầu. Tôi tin chắc rằng những kết quả này sẽ được tiếp nối và phát triển. Trường ĐH Luật Hà Nội trân trọng chuyển giao trong trách trưởng ban điều hành cho Trường ĐH Kinh tế Luật – ĐH Quốc gia TP. HCM.

Chúng tôi mong muốn lãnh đạo ĐH Quốc gia TP. HCM và trực tiếp là lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Luật sẽ ủng hộ cho các cơ sở đào tạo Luật dù Bắc hay Nam dù có truyền thống đào tạo hay là mới hình thành để chúng ta nắm tay nhau để tiếp bước những thành quả trong nhiệm kỳ đầu tiên. Một trường đơn lẻ sẽ đi rất nhanh, nhưng các trường đồng hành, kết nối chia sẻ thì chắc chắn sẽ đi rất xa và vững chắc như mạng lưới chúng ta mong muốn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ